VEPR: Tiền đồng đang được định giá cao
(Dân trí) - Các tính toán của VEPR cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2014, tiền đồng được định giá cao hơn giá trị cân bằng 7-11%. Tổ chức này kiến nghị cần có một lộ trình phù hợp để đạt được mức tỷ giá cạnh tranh hơn cho Việt Nam, tối thiểu ở mức tỷ giá cân bằng.
VEPR dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 trong khoảng 6,1%-6,3% (Ảnh: Khắc Giang)
Tại bản báo cáo này, các tác giả của VEPR đã chỉ ra những bất ổn đằng sau sự ổn định danh nghĩa của tỷ giá.
Theo VEPR, việc ước lượng mức tỷ giá cân bằng là công việc có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chính sách về tỷ giá cũng như dự báo xu hướng chuyển động của tỷ giá trong tương lai. Các tính toán của VEPR cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2014, tiền đồng được định giá cao hơn giá trị cân bằng 7-11%.
Theo khẳng định của VEPR, mọi ý kiến đánh giá hiện tại đều đồng thuận với tác động tiêu cực của tỷ giá cao. Do đó tổ chức này kiến nghị cần có một lộ trình phù hợp để đạt được mức tỷ giá cạnh tranh hơn cho Việt Nam, tối thiểu ở mức tỷ giá cân bằng. Trong đó, bước đầu tiên cần phải để tỷ giá thực tiền đồng tiếp tục gia tăng. Điều này đòi hỏi mức điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa cần phải lớn hơn khoảng cách giữa lạm phát của Việt Nam và thế giới.
Đáng lưu ý, do khái niệm tỷ giá cân bằng được xem xét trong trung hạn thay vì ngắn hạn nên mức tỷ giá cao không nhất thiết đi cùng với sự sụt giảm về dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối có thể tăng lên trong ngắn hạn do các yếu tố mang tính thời điểm, ví dụ những biến động tăng ngắn hạn về dòng vốn chảy vào như kiều hối, vay nợ nước ngoài…
Do đó, việc định mức tỷ giá căn cứ trên cân đối ròng ngắn hạn của cán cân thanh toán sẽ dẫn tới những sai lệch, có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Qua phân tích cho thấy việc định giá cao tiền đồng ảnh hưởng tiêu cực đến đến các ngành sản xuất sử dụng tỷ trọng lớn đầu vào sản xuất trong nước như nông nghiệp, chế biến nông nghiệp, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và khai khoáng.
Đáng lưu ý, đây là những ngành sản xuất đóng góp chủ yếu vào việc tạo ra việc làm và tiến bộ năng suất của nền kinh tế. Trong khi đó, tỷ giá cao tạo giúp mở rộng tiêu dùng và các ngành sử dụng nhiều đầu vào sản xuất nhập khẩu như công nghiệp chế tạo thâm dụng vốn.
Cũng tại báo cáo này, VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2015. Trong bối cảnh khá ổn định hiện nay, hai kịch bản có tính hội tụ tương đối. Kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,1%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức 6,3% (theo giá cố định năm 2010).
Lạm phát của cả năm 2015 trong kịch bản 1 được dự báo tiếp tục duy trì mức tương đối thấp, tương tự năm 2014, đạt khoảng 1,9%. Trong khi đó, đối với kịch bản 2, khi nền kinh tế phục hồi cao hơn một chút, thì lạm phát có thể lên tới 3,2%; khuynh hướng tăng diễn ra nhanh hơn vào cuối năm, và tiếp tục tăng trong 2016. Đây là trường hợp nền kinh tế rơi vào một vòng xoáy mới giữa lạm phát và thay đổi tỷ giá. Kịch bản 2 tuy có bề ngoài không khác quá xa kịch bản 1, nhưng VEPR cho biết, phản ánh một mức độ rủi ro vĩ mô cao hơn nhiều sẽ xuất hiện trong năm 2016.
Bích Diệp