Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?

(Dân trí) - Người Thái nắm giữ hệ thống bán buôn lớn nhất nhì Việt Nam với 19 siêu thị, liệu hàng Việt còn có mặt ở Metro hay không?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?

* Một tháng xa MobiFone, VNPT sống ra sao?
* Giá dầu tăng trở lại trước nguy cơ Mỹ không kích Iraq
* 8X Việt thành đại gia nhờ nuôi loài chó đắt nhất hành tinh

Thông tin chính thức thương vụ chuyển nhượng tỷ đô Metro Việt Nam cho tỷ phú Thái Lan đang làm rúng động thị trường bán lẻ Việt Nam và giới doanh nghiệp. Đây liệu có thực chất là thương vụ mua bán lợi nhuận khi mà tiềm năng bán lẻ Việt Nam mới chỉ được khai thác 20% hay là một bước đi cụ thể tiếp theo của các “bộ não kinh doanh” hàng đầu nước Thái nhằm đưa hàng hóa Thái Lan xâm nhập thị trường Việt Nam một cách sâu rộng hơn. Người Thái nắm giữ hệ thống bán buôn lớn nhất nhì Việt Nam với 19 siêu thị, liệu hàng Việt còn có mặt ở Metro hay không?

Metro sẽ là một Family mart thứ hai của người Thái?

Hiện, Metro Việt Nam đang sở hữu số siêu thị bán buôn lớn nhất với 19 siêu thị, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Mức độ mua sắm tại Metro cũng được đánh giá cao so với các siêu thị như BigC hay Lotte; các hàng hóa của Metro hiện đa số có nguồn gốc từ Việt Nam và đầy đủ chủng loại, chính vì thế mà dấu ấn của người tiêu dùng với Metro là rất lớn.

Metro Việt Nam chính thức thuộc về Tập đoàn BJC Thái Lan

Metro Việt Nam chính thức thuộc về Tập đoàn BJC Thái Lan

Theo một cuộc hội thảo tháng 4 tại Hà Nội, các tập đoàn của Đức hay Pháp chủ yếu khai thác thị trường bán lẻ, bán buôn của Việt Nam là chính nên việc đưa hàng của nước các nước Đức hay Pháp vào Việt Nam là rất ít. Tuy nhiên, đối với Thái Lan, câu chuyện này lại hoàn toàn khác bởi chúng ta đã có minh chứng từ Family Mart ở TP HCM.

Đầu năm 2013, hệ thống cửa hàng bán lẻ hợp tác giữa tập đoàn Phú Thái (Việt Nam) và đối tác của Nhật là Family Mart đã bán đứt cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú người Thái Lan Chearavanont. Không lâu sau đó siêu thị lớn thứ 3 tại Nhật vốn ăn nên làm ra tại Trung Quốc và Việt Nam đã bị thay tên đổi họ thành  B’s mart cho giống với chữ cái viết hoa đầu của Tập đoàn BJC. Bên cạnh đó, B’ Mart cũng thay đổi cách thức cung ứng khi có đến 60% hàng hóa Thái đã có mặt tại các hệ thống của thay vì hàng Việt hoặc hàng Nhật như trước kia.

Trao đổi với báo giới TP HCM, phía B’ Mart cho rằng họ không có chủ ý đẩy hàng Việt khỏi siêu thị: Việc thay đổi là nhắm đến thị hiếu người tiêu dùng bởi rất đông người dân TP HCM muốn mua hàng Thái Lan vì giá cả phải chăng và chất lượng tốt.

Rõ ràng, việc sính hàng ngoại, đặc biệt là các mặt hàng gia dụng, thực phẩm khô, bánh kẹo có nguồn gốc từ Thái Lan đang rất thịnh trong thời gian gần đây. Báo cáo mới nhất của Cục quản lý thị trường TP HCM, hàng hóa Thái hiện đang xuất hiện ngày một nhiều tại các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn. Hiện tượng nhiều cửa hàng chuyên đồ Thái được mở ra hàng loạt tại các phố đã cho thấy mức độ tiêu thụ hàng Thái đang rất lớn.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, chỉ riêng năm 2013, chúng ta đã nhập 6,31 tỷ USD các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, trong đó chủ yếu là đồ gia dụng, thực phẩm khô, bánh kẹo…

Rõ ràng một minh chứng điển hình cho sự thay thế của hàng Thái đang diễn ra, nó vừa có nguyên nhân khách quan như giá cả phải chăng, chất lượng tốt hơn hàng Việt nhưng đây cũng vừa là yếu tố chủ quan của các nhà tư bản Thái Lan khi xâm nhập thị trường. Không đơn giản người được mệnh danh là bộ não của giới kinh doanh Thái Lan đã khuyến khích được giới DN Thái Lan đổ xô đầu tư vào Trung Quốc hay cổ phiếu Mỹ và đến nay, tại Việt Nam, động thái của tỷ phú Chearavanont sẽ còn được nhiều DN Thái Lan làm theo. Lúc ấy, áp lực đối với hàng Việt không biết lớn đến nhường nào.

Cần quy định tỷ lệ bán hàng Việt

Mặc dù không có thống kê % số hàng Việt Nam được bày và bán tại các siêu thị lớn như Metro, Big C song xu hướng tiêu dùng mới của cư dân thành thị đang hướng đến mua bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại ngày một nhiều. Chính vì thế nên việc Metro thay tên đổi chủ cho tỷ phú Thái Lan chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi đối với thị trường.

Bên cạnh đó, dù chưa hé lộ tham vọng đưa hàng Thái vào chuỗi cung ứng của Metro song rất có thể kinh nghiệm của Tập đoàn này tại Family Mart sẽ được tỷ phú số 1 Thái Lan áp dụng tại chuỗi các siêu thị của Metro trong thời gian tới. Nếu điều đó xảy ra, hàng Việt sẽ có thêm một chướng ngại lớn mới.

Theo ông  Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: “Thái Lan có ý định xâm nhập thị trườngbán lẻ của Việt Nam rất lâu và rất bài bản. Họ tổ chức hằng năm 4 hội chợ triển lãm quy mô, đến cách đưa hàng hóa vào du lịch, đến tổ chức các đại lý, cửa hàng khắp trong nam ngoài bắc. Người Thái đang chiếm lĩnh rất nhiều lĩnh vực khác như thức ăn chăn nuôi, nuôi tôm… Chúng ta phải có chính sách phù hợp để cân bằng thị trường và tạo cơ hội cho hàng Việt cạnh tranh. Kiến nghị của chúng tôi là cần quy định các siêu thị, hãng phân phối bán lẻ phải bày bán theo tỷ lệ % sản phẩm cùng mặt hàng là giải pháp trước mắt”.

Rõ ràng trong cách thức xâm nhập thị trường, các DN Việt Nam cần học hỏi từ DN Thái nhiều điểm khi họ biết kết nối từ: cung ứng nguyên liệu, sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm cuối cùng. Hiện có nhiều DN Thái Lan đã và đang chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực sản xuất và chế biến sản phẩm của Việt Nam ngay tại thị trường nội địa. Một khi có chuỗi phân phối nằm trong tay người Thái, chắc chắn hàng Thái sẽ có nhiều cơ hội được bày bán và tỏa sáng hơn so với hàng Việt Nam tại các trung tâm, siêu thị lớn.

Thời diểm 2009, khi Việt Nam chính thức mở cửa dịch vụ bán lẻ theo cam kết của WTO, có rất nhiều ưu đãi cho ngành này bởi chúng ta có được lộ trình thực hiện 5 năm từ 2010 – 2015 mới xóa bỏ hoàn toàn các rào cản. Bên cạnh đó, theo cam kết gia nhập Khu vực Cộng đồng Asean (AC) cụ thể là Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), năm 2015 bán lẻ sẽ không có bất cứ rào cản nào đối với các nhà đầu tư ngoại và các hàng hóa thông thường của các nước Asean sẽ được bãi bỏ 100% thuế suất. Đây rõ ràng thách thức đối với hàng Việt và DN Việt Nam.

Nguyễn Tuyền

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước