VCCI: Nhiều ngành bị đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện chưa thuyết phục
(Dân trí) - Trước việc 15 ngành nghề mới được bổ sung, sửa đổi đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện trong Luật sửa đổi Luật Đầu tư 2014 trình Quốc hội, đại diện VCCI có văn bản yêu cầu cơ quan trình làm rõ căn cứ, nếu không thì cần loại bỏ để tạo thuận lợi hóa cho môi trường kinh doanh và không cản trở tự do kinh doanh của người dân.
Cụ thể, trong văn bản kiến nghị được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, VCCI cho hay nhiều ngành nghề trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được cơ quan soạn thảo (các bộ), và cơ quan trình không giải trình sự phù hợp hoặc không thuyết phục về mặt pháp lý và thực tiễn.
Đặt điều kiện kinh doanh không thuyết phục!?
Bản kiến nghị của VCCI nêu: Một số ngành, nghề được đề nghị giữ lại/bổ sung vào Danh mục được giải thích xuất phát từ lý do là đã được quy định và thực hiện ổn định trong các văn bản pháp luật khác. Đây chưa phải là lý do phù hợp để quyết định giữ/ bổ sung vào Danh mục.
Trong khi đó, lý do cốt lõi vẫn phải giải trình để đưa các ngành nghề trên vào danh mục là: các ngành nghề kinh doanh này có gây ra ảnh hưởng tới các trật tự công ở mức Nhà nước cần thiết phải kiểm soát bằng các điều kiện hay không vẫn chưa được cơ quan soạn thảo nêu ra.
Ông Lộc khẳng định: “Phần lớn các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được kiến nghị bổ sung vào Danh mục lần này đều chưa giải trình các mục tiêu chính sách, do đó chưa đủ căn cứ thuyết phục để bổ sung vào quy định cần phải có điều kiện kinh doanh mới được cấp phép đầu tư, kinh doanh”.
Theo VCCI, trước mắt yêu cầu làm rõ lý sự phụ hợp, cần thiết trong việc đưa các loại hình kinh doanh như: Xuất khẩu gạo; Quản lý, vận hành nhà chung cư; Kiểm toán năng lượng; Kinh doanh đóng mới, cải hoán tàu cá; Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; Kinh doanh dịch vụ điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch, đề án, báo cáo tài nguyên nước…
Chia sẻ với PV Dân Trí, đại diện Ban Pháp chế, VCCI cho rằng: Trong một số ngành nghề thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện, thời gian qua đã không còn cần thiết. Nhiều ngành đã được vận hành và điều tiết theo cơ chế thị trường và có trong các luật chuyên ngành khác nhau. Nếu bị đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến số doanh nghiệp (DN) tham gia, khiến nảy sinh tình trạng độc quyền, thiếu minh bạch trong cung ứng dịch vụ và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đơn cử là hai ngành nghề là Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và xuất khẩu gạo, theo VCCI, đối với ngành Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, về bản chất, đây là giao dịch trong đó một khoản nợ được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. Dịch vụ mua bán nợ chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua bán nợ nói trên. Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó.
Hơn nữa, theo pháp luật dân sự hiện hành, “nợ” đang được xem là một loại hàng hóa thông thường, được giao dịch bình thường trên thị trường. Hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại liên quan tới hoạt động mua bán hiện tại đã cung cấp đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh giao dịch mua bán nợ cũng như các giao dịch hỗ trợ mua bán nợ.
Điều kiện với xuất khẩu gạo khiến gạo Việt ngày càng đì đẹt?
Đối với ngành xuất khẩu gạo, ở đây gạo được xem là loại hàng hóa liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, vì vậy các chính sách quản lý đặc thù liên quan gạo có thể là cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định để đảm bảo an ninh lương thực liên quan đến sản phẩm gạo. Do đó, yêu cầu về điều kiện đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để đảm bảo cho lợi ích công cộng là chưa phù hợp.
“Thật khó lý giải tại sao để xuất khẩu gạo thì thương nhân phải có những điều kiện về cơ sở vật chất (nhà xường, kho chứa theo quy định … với quy mô lớn mới được tham gia xuất khẩu gạo. Và quy mô của doanh nghiệp thì giúp gì cho việc bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực?”, VCCI đặt nghi vấn.
Theo đại diện của Ban Pháp chế, VCCI: Cũng là nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn, nhưng thời gian qua hạt gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh rất mạnh với các loại gạo Thái Lan, Campuchia. Gạo Việt không được đánh giá cao về chất lượng, giá cả và cả chuỗi tiếp thị, trong khi đó các loại gạo của các nước khác đã và đang “sống khỏe” ngay tại Việt Nam.
Những sai phạm, những yếu kém của ngành xuất khẩu gạo và của đơn vị xuất khẩu gạo như Vinafood trong thời gian qua cho thấy việc chậm mở cửa đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sự cạnh tranh, độ phủ sóng của hạt gạo Việt
“Hiện nhiều quốc gia xuất khẩu gạo như Campuchia, Thái Lan không hề có quy định quy mô nhà xưởng, kho chứa để đặt điều kiện cho các DN tham gia phải đáp ứng như ở Việt Nam. DN nào đủ năng lực hợp pháp đều được tham gia xuất khẩu gạo như xúc tiến thương hiệu quốc gia. Chính vì thị trường có sự tham gia nhiều đơn vị cung ứng, nên độ nhạy bén thị trường của chuỗi đầu ra cho hạt gạo nhanh hơn, mau lẹ hơn. Người nông dân, chủ thương đều nhận biết được thay đổi thị trường để canh tác và đưa ra thị trường sản phẩm đáp ứng nhu cầu tốt hơn. Nếu như với cách làm tại Việt Nam, các DN Campuchia hay Thái Lan, họ cũng… chào thua”, đại diện của VCCI nhấn mạnh.
Nguyễn Tuyền