Đề nghị bỏ bảo hành, bảo dưỡng ô tô khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện
(Dân trí) - Hoạt động bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô là một trong những dịch vụ kỹ thuật thông thường – tương tự như các hoạt động bảo dưỡng, bảo hành hàng hóa khác trên thị trường. Vì vậy, chưa tìm thấy tính đặc thù của loại dịch vụ này hơn các dịch vụ tương tự khác để có thể quy định về điều kiện kinh doanh.
Đây là kiến nghị của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014.
Trong bản kiến nghị dài 16 trang, VCCI cho biết: Việc quy định bỏ, gộp và rút bớt 41 ngành nghề khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện là một trong những bước tiến quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta. Đồng thời, đây là chỉ dấu, bảo đảm tính minh bạch về chính sách và là “nút chặn” hiệu quả trong việc ban hành các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề đề xuất bổ sung mới vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo VCCI: Luật đầu tư 2014 đã quy định khá rõ về các mục tiêu khi xác định một ngành, nghề là có điều kiện đầu tư hay không, đó là nhằm bảo vệ các trật tự công (an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, sức khỏe cộng đồng …). Như vậy, khi xác định một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các lý giải phải hướng đến mục tiêu này.
"Một số ngành, nghề được đề nghị giữ lại/bổ sung vào Danh mục lại xuất phát từ lý do là đã được quy định và thực hiện ổn định trong các văn bản pháp luật khác. Đây dường như chưa phải là lý do phù hợp để quyết định giữ/ bổ sung vào Danh mục, mà lý do cốt lõi vẫn phải giải trình là: các ngành nghề kinh doanh này có gây ra ảnh hưởng tới các trật tự công ở mức Nhà nước cần thiết phải kiểm soát bằng các điều kiện hay không?", bản kiến nghị của VCCI cho hay.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã có Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014 với việc đưa Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô; Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới... vào danh mục 226 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đang được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến của Thường vụ Quốc hội, trước khi trình Quốc hội thông qua.
Về việc đưa bảo hành, bảo dưỡng ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, VCCI phản bác lại lý do của Bộ KH&ĐT: Bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô là dịch vụ thường đi kèm với dịch vụ bán hàng hoặc sản xuất ô tô và trong quan hệ này trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm thuộc về nhà sản xuất là chủ yếu chứ không phải là người bảo hành, bảo dưỡng. Vì vậy, việc xem hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất bất hợp lý.
Ngay cả khi việc kiểm soát các dịch vụ này là hợp lý đi nữa thì các điều kiện kinh doanh với ngành này như quy định hiện tại cũng không thể hiện được các mục tiêu quản lý nào trong khi lại cản trở đáng kể đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào thị trường này.
Chính vì lý do trên, VCCI đề nghị bỏ “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” ra khỏi Danh mục Luật Đầu tư sửa đổi.
Theo quan điểm của VCCI, hiện phần lớn các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được kiến nghị bổ sung vào Danh mục lần này đều chưa giải trình các mục tiêu chính sách như: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng... Chính vì vậy, nếu Bộ và cơ quan trình ý kiến không giải trình sự phù hợp hoặc không thuyết phục, đề nghị không bổ sung các ngành nghề liên quan vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Nguyễn Tuyền