VCCI: Nên cho xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế "cứu" ngành dệt may

(Dân trí) - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Vũ Tiến Lộc vừa có 7 đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có kiến nghị cho phép xuất khẩu quần áo bảo hộ y tế để cứu ngành dệt may.

Cụ thể, góp ý vào dự thảo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4/2020), Chủ tịch VCCI đề nghị cho phép xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế để giúp giải cứu ngành dệt may trong bối cảnh khó khăn.

VCCI: Nên cho xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế cứu ngành dệt may - 1

VCCI đề xuất cho xuất khẩu quần áo bảo hộ y tế để giải cứu ngành dệt may

Ông Lộc cho rằng: "Theo phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành, sản xuất khẩu trang đang là cỗ máy in tiền thời dịch bệnh. Công suất sản xuất khẩu trang của chúng ta là rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu nội địa, đơn hàng thế giới tăng nhanh, nhưng quy định cấm xuất khẩu khẩu trang đang bó tay bó chân doanh nghiệp".

Đại diện của tổ chức doanh nghiệp Việt Nam cho biết: Chính phủ cần gỡ bỏ quy định này để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

"Đối với quần áo bảo hộ và một số thiết bị vật tư y tế khác cũng cần ưu tiên bảo đảm yêu cầu trong nước. Nhưng cần tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới với điều kiện bảo đảm tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật", ông Lộc nói.

Ông này cho rằng: "Đừng để doanh nghiệp ta không phải là “trâu chậm “nhưng vẫn phải” uống nước đục” vì rào cản cơ chế".

Theo ông Lộc, vấn đề này cũng xảy ra đối với ngành sản xuất thiết bị và vật tư y tế. Vì vậy, cần tháo gỡ vướng mắc, cởi bỏ các rào cản để cho doanh nghiệp Việt phát triển, tránh tình trạng doanh nghiệp chưa khó vì dịch bệnh đã khó về cơ chế.

"Đề nghị chính phủ xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng y tế trong khi thế giới có nhu cầu cao", ông Lộc nói.

Theo tiến sĩ Lộc, thời dịch doanh nghiệp cũng phải khẩn trương như thời chiến. Ở mọi cấp độ kinh doanh, quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp phải “trong nốt nhạc”, vì vậy các cơ quan Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, vượt khỏi khó khăn".

Cộng đồng doanh nghiệp mong cải cách thể chế sẽ được đầy mạnh trong những tháng tới đây để làm bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này.

An Linh