1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vay vốn ODA để khởi nghiệp: Khó như đi lên trời!

(Dân trí) - "Quy định sau 3 năm liên tiếp, doanh nghiệp (DN) hoặc cá nhân khởi nghiệp không lỗ lũy kế mới được tiếp cận với vốn ODA (vốn viện trợ phát triển chính thức), đây là điều kiện rất ít DN làm được, đặc biệt là khởi nghiệp thì khó như lên trời".

Đó là khẳng định của đại diện của một quỹ đầu tư đến từ Thụy Điển về quy chế cho vay ODA dành cho tư nhân tại Việt Nam.

Theo ông này: "Vốn ODA không chỉ có song phương mà còn đa phương từ các tổ chức phi chính phủ, định chế tài chính thế giới mà các quỹ là cấu thành lên. Chúng tôi nhận thấy, quy định 3 năm liên tiếp DN không lỗ lũy kế là một rào cản đối với tiếp cận vốn chính đáng của DN. Có thể nói không DN tư nhân nào, khởi nghiệp nào làm được vì thông thường 2 năm đầu kinh doanh sẽ không có lãi, thậm chí còn lỗ".

Khởi nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân rất cần vay vốn ODA nhưng cơ chế ràng buộc và quá nhiều chính sách đang trói buộc khát vọng của họ.
Khởi nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân rất cần vay vốn ODA nhưng cơ chế ràng buộc và quá nhiều chính sách đang "trói buộc" khát vọng của họ.

Trên thực tế, nhu cầu lượng vốn cho khởi nghiệp tại Việt Nam hiện rất lớn; các DN khởi nghiệp khi lập dự toán và thuyết minh đầu tư với đối tác rất khó chứng minh được năng lực tài chính, quản lý dự án. Do đó, đa số không thu hút được vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Vốn khởi nghiệp tại Việt Nam hiện dựa chủ yếu vào vốn cá nhân, vốn góp... và một phần vốn đi vay.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều khó khăn và vướng mắc trong việc cho phép tư nhân tiếp cận luồng vốn vay ODA bởi nó làm ảnh hưởng đến nợ công, nợ nước ngoài và cơ cấu nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Theo đó, khu vực tư nhân được tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ thông qua cơ chế cho vay lại thông qua bên thứ 2 có thể là ngân hàng, là cơ quan Nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay đều chưa có hướng dẫn chi tiết.

Về trường hợp quy định, DN vay vốn ODA để phục vụ dự án của Chính phủ phải có 20% tổng vốn đầu tư là vốn chủ sở hữu. Quy định này theo các DN cũng làm khó cho các DN tư nhân Việt Nam bởi nếu vốn vay lớn, vốn chủ sở hữu của DN sẽ không đủ so với quy định. Đặc biệt các dự án theo hình thức PPP (hợp tác đối tác công - tư giữa Nhà nước và tư nhân) sẽ cần lượng vốn vay lớn, mà khó có DN nào đáp ứng được.

Theo các DN, quỹ đầu tư thì quy định dựa vào báo cáo hoạt động kinh doanh và báo cáo tài chính của DN trong 3 năm liên tiếp để làm điều kiện cho vay vốn ODA là không hợp lý.

Trả lời phóng viên báo Dân trí, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay: "Khởi nghiệp ở Việt Nam đang đòi hỏi lượng vốn rất lớn, các tổ chức, quỹ coi Việt Nam là địa bàn khởi nghiệp và họ đã và đang đề nghị Việt Nam xây dựng các hành lang chính sách tạo điều kiện cho luồng vốn ODA chảy vào khu vực tư nhân, khu vực khởi nghiệp từ năm 2010, mạnh nhất là năm 2012. Tuy nhiên, đến nay còn quá nhiều ràng buộc để với đến vốn ODA, trong khi chính sách hỗ trợ cho tư nhân, khởi nghiệp tiếp cận dòng vốn này lại không có".

Theo đại diện của Bộ Tài Chính, vì vốn ODA liên quan đến nợ Chính phủ, nợ công do đó phải quản lý và có cơ chế chặt chẽ. Bên cạnh đó, Chính phủ hiện đã cho phép các ngân hàng tiếp nhận vốn, được đại diện cho Chính phủ cho vay, thẩm định dự án, chịu trách nhiệm thu hồi vốn và báo lãi. Do đó, quy định DN vay lại phải sử dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật để đảm bảo bù đắp rủi ro tín dụng và các rủi ro khác có thể xảy ra. Tài sản đảm bảo bao gồm tài sản hình thành từ vốn vay của Chính phủ và các tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Chính vì quá nhiều ràng buộc và trách nhiệm cũng như một loạt quy định liên quan nên đến nay số DN tư nhân vay được vốn ODA để phục vụ dự án xây dựng cơ sở vật chất, trường học, giao thông vùng cao và xử lý nước chỉ đếm trên đầu ngón tay chứ chưa nói là các DN khởi nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, sau khi tham khảo ý kiến của các sở, ban ngành và địa phương, trong dự thảo góp ý Thông tư về quản lý tài chính đối với ODA, sẽ mạnh dạn đề xuất đơn giản hóa các thủ tục, quy trình và trách nhiệm của người đi vay

Điều này theo các chuyên gia của Bộ Tài Chính, sẽ giúp quản lý nguồn vốn tốt hơn so với trước. Tuy nhiên, lại nảy sinh lo ngại, NHTM quản lý sẽ áp dụng các mức lãi suất cho khoản vay, bởi các NH cũng phải chịu chi phí lãi vay ODA từ các tổ chức quốc tế. Do đó, phải xây dựng chính sách nhằm đảm bảo tín dụng và dư nợ phục vụ đúng các mục đích ưu tiên, đồng thời đúng phạm vi đối tượng.

Nguyễn Tuyền

Vay vốn ODA để khởi nghiệp: Khó như đi lên trời! - 2