Bơm tạp chất vào tôm có thể bị khởi tố hình sự

(Dân trí) - Theo Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất vừa được phê duyệt, đến hết năm 2018 sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm.

Theo Đề án “kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất” vừa được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi tôm tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không thu mua tôm tạp chất.

Đề án cũng yêu cầu các cơ quan chức năng kịp thời thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm có dấu hiệu đưa tạp chất vào tôm hoặc sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước.

Theo đề án, nhiệm vụ “ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của các Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) của quốc gia và các tỉnh, thành.

Các tỉnh trọng điểm cần lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin hành vi tôm bơm tạp chất. (Ảnh minh họa)
Các tỉnh trọng điểm cần lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin hành vi tôm bơm tạp chất. (Ảnh minh họa)

Theo đó, để đạt được các mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về tạp chất; Bộ Công an phối hợp với TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao,… xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất; trong trường hợp không xác định được tội danh tương ứng trong Bộ Luật Hình sự, thì đề xuất báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung hành vi vi phạm về tạp chất là tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự.

Yêu cầu UBND các tỉnh, thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất; tuyên truyền cách thức nhận biết sản phẩm tôm có tạp chất và tố giác hành vi vi phạm tạp chất.

Đặc biệt, các tỉnh trọng điểm là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang cần thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm tạp chất trong tôm tại các Sở, ngành có liên quan và UBND các cấp; tổ chức ký cam kết không vi phạm tạp chất, công bố công khai danh sách các cơ sở đã ký cam kết theo địa bàn.

Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với các phương tiện truyền thông đăng tải tin tức về tình hình bơm chích tạp chất vào tôm và cho công khai tên, địa chỉ và kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về tạp chất.

Đề án cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm tạp chất trong tôm. Các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an xử lý theo quy định.

Huỳnh Hải