1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vào WTO rồi, nhiều rắc rối vẫn còn

Nhiều rào cản vẫn còn sau khi Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thậm chí còn rất rắc rối, buộc chúng ta phải “tỉnh táo” vượt qua.

Khó khăn lớn nhất - được các chuyên gia nhận định - lại đến từ chính thị trường nội địa. Trước đây, chúng ta nói nhiều về những hệ thống phân phối hàng hoá để đạt mục tiêu phát triển thị trường nội địa theo hướng lành mạnh, ổn định. Nếu không chiếm lĩnh thị trường nội địa thì khi đó chúng ta sẽ trao quyền nhập khẩu, quyền xuất khẩu cho các doanh nhân nước ngoài.

Đối phó từ thị trường nội địa

Theo logic chung, phát triển thị trường nội địa sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 40 tỷ USD. Quy mô của thị trường nội địa là 37 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ, nếu không làm tốt, thúc đẩy thị trường này lên thì rõ ràng chúng ta mất một cái chân.

“Nhìn sang Trung Quốc, xuất phát từ việc đẩy mạnh tiêu dùng nội địa lên mà nước này đã tập trung xuất khẩu được”, ông Ruệ dẫn chứng.

Khi Việt Nam phải giảm thuế hàng hoá theo cam kết WTO, mối lo lắng của người tiêu dùng về tình hình buôn lậu, gian lận hàng hoá từ thị trường nội địa cũng gia tăng. Trên thực tế, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng ở đâu cũng có thể có buôn lậu. Chỉ khi nào thuế của tất cả hàng hóa từ quốc gia này sang quốc gia kia bằng 0% thì mới có hi vọng hạn chế phát sinh chuyện gian lận.

Theo Thứ trưởng Ruệ, chiều hướng gian lận này đang phát triển ngày càng lớn. Ông đưa ra ví dụ cụ thể về trường hợp rượu nhập khẩu vào Việt Nam: nếu so sánh giá của các nước thì thấy, trừ trường hợp trốn thuế còn ngay cả mặt hàng rượu nhập chính thức 100% có dán tem nhập khẩu thì rõ ràng vẫn rẻ hơn so với nước ngoài. Đây là việc không bình thường.

Theo ông, một chai rượu ở châu Âu bán với giá 150 USD thì ở Việt Nam chỉ có 500, 600 nghìn đồng (40-50 USD). Làm gì có chai rượu đi từ Anh về Việt Nam lại bán với giá rẻ hơn?

Hiện nay, Chính phủ cũng từng bước thắt chặt đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước, hàng xuất khẩu đảm bảo chất lượng, kiểm soát hàng nhập khẩu, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Không phải bây giờ chúng ta mới quan tâm đến vấn đề này, từ năm 2004 khi việc đàm phán WTO vào giai đoạn cuối thì Bộ Thương mại đã có những hoạch định bằng những đề án trình lên Thủ tướng như xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước...

Hiện nay, Bộ Thương mại cũng trình Chính phủ một đề án làm thế nào để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững sau khi gia nhập WTO và một loạt vấn đề về quản lý chất lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu và một loạt các vấn đề điều hành hiệu quả ... Trong đó chuẩn bị cả những biện pháp đối phó với các rào cản thương mại quốc tế, rào cản kỹ thuật cho các các doanh nghiệp.

Hạn chế tác động của địa vị kinh tế

Những tác động của địa vị nền kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam trong giai đoạn đầu gia nhập WTO cũng là một thách thức không nhỏ.

Với điều khoản chỉ được công nhận nền kinh tế thị trường sau 12 năm gia nhập WTO, đây được coi là một trong những điều khoản cam kết sẽ mang lại nhiều thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu gia nhập, đòi hỏi phải có những chính sách hợp lý nhằm giảm thiểu các thiệt hại do địa vị kinh tế phi thị trường mang lại đối với Việt Nam khi đã là thành viên chính thức của WTO.

Theo đánh giá của ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Phòng Phát triển kinh tế tại cơ quan thường trú Chương trình phát triển của LHQ tại Việt Nam, xét trên một khía cạnh nào đó, việc Việt Nam gia nhập WTO song vẫn phải đợi tới 12 năm sau khi gia nhập mới được coi là nền kinh tế thị trường là một sự thiếu lôgic và không phù hợp với bản chất của WTO.

“WTO thực chất là một tổ chức, một câu lạc bộ của các nền kinh tế hoạt động tuân theo nền kinh tế thị trường và tự do hoá thương mại, do đó, việc gia nhập WTO nhưng vẫn bị đối xử theo địa vị kinh tế phi thị trường sẽ mang lại nhiều khó khăn cho Việt Nam sau khi gia nhập WTO bởi nó tạo ra một sự thiếu công bằng do phân biệt đối xử”, ông Pincus bình luận.

Tuy nhiên, theo ông ông Peter Naray, Trưởng nhóm chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn II (Mutrap II), khi nghiên cứu kỹ lưỡng quy tắc của tổ chức này sẽ thấy hoạt động của nó dựa trên nguyên tắc cơ bản là mọi đối tác khi tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế phải là những thực thể kinh tế độc lập và các quyết định đưa ra cũng phải độc lập với ý muốn của Nhà nước và chỉ dựa trên những lợi ích về kinh tế.

Điều đó có nghĩa là đối với những thành viên do điều kiện đặc thù chưa đáp ứng được những quy tắc chung này thì vẫn phải thiết kế một số quy tắc đặc biệt dành cho các thành viên đó. Việt Nam cũng như Trung Quốc là những nền kinh tế nằm trong trường hợp này với điều kiện chung khi gia nhập là doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước làm chủ đạo phải chịu sự giám sát đặc biệt khi gia nhập WTO.

Cũng theo phân tích của chuyên gia này, thời hạn 12 năm có thể sẽ được rút ngắn hơn nếu Việt Nam có khả năng xây dựng một nền kinh tế thị trường theo những tiêu chí của nước nhập khẩu, và theo đó việc áp dụng các điều khoản đặc biệt nói trên cũng sẽ được chấm dứt.

Mặc dù vậy, trong thời gian trước mắt, với cam kết từ điều khoản này, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại khi bị áp dụng các quy định đối với nền kinh tế phi thị trường khi gặp các tranh chấp thương mại liên quan đến các biện pháp đối kháng và chống bán phá giá.

Để đối phó với tình trạng này, cũng như giảm thiểu các thiệt hại do thách thức này đem lại, ông Naray cho rằng Chính phủ cần hết sức thận trọng khi đưa ra các chính sách và quy định thể chế, đồng thời nỗ lực phấn đấu thoát ra khỏi danh sách các nước trong thời gian sớm nhất có thể.

“Các thành viên WTO sẽ xác định sự tồn tại môi trường kinh doanh, thương mại tuân thủ các tiêu chí một nền kinh tế thị trường dựa vào các yếu tố chất lượng của các đạo luật và quy định về sở hữu, sự chuyển đổi của đồng tiền, việc định giá, vai trò các doanh nghiệp Nhà nước và vai trò của Chính phủ, các quy định về lao động và phá sản doanh nghiệp...

Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần lưu ý hoạt động lập pháp và ban hành chính sách liên quan đến các lĩnh vực này sẽ rất quan trọng khi xác lập địa vị kinh tế thị trường hay phi thị trường cho Việt Nam khi bị điều tra chống bán phá giá, một loại hình tranh chấp mà Việt Nam chuẩn bị phải đối mặt ngày càng nhiều khi gia nhập WTO”, ông Naray khuyến nghị.

Theo Thùy Trang
VnEconomy