Vàng trong nước ngược chiều thế giới, mất mốc 67 triệu đồng/lượng

Thảo Thu

(Dân trí) - Giá vàng trong nước hôm qua giảm tới 500.000 đồng/lượng, chính thức mất mốc 67 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá kim loại quý thế giới đã lên đỉnh 8 tháng.

Giá vàng trong nước ngược chiều với thế giới

Kết thúc ngày 9/1, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn giao dịch tại 66-66,8 triệu đồng/lượng (mua - bán). Hôm qua, có thời điểm phiên sáng, giá ở mức 66,5-67,3 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với mức giá trên, chỉ trong một ngày, mỗi lượng vàng đã "bốc hơi" 500.000 đồng. Chênh lệch 2 chiều mua - bán giữ nguyên ở mức 800.000 đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng trong nước ngược chiều hoàn toàn với giá kim loại quý thế giới. Sáng nay, mỗi ounce vàng thế giới đang neo ở mức 1.870 USD/ounce. Trong phiên hôm qua, giá vàng thế giới thậm chí đã lập đỉnh 8 tháng khi xuyên thủng ngưỡng 1.880 USD/ounce.

Quy đổi theo tỷ giá USD không tính thuế, phí, vàng trong nước đang đắt hơn quốc tế 14,1 triệu đồng/lượng.

Vàng trong nước ngược chiều thế giới, mất mốc 67 triệu đồng/lượng - 1

Vàng trong nước "lao dốc" (Ảnh: Tố Linh).

Chiến lược gia hàng hóa cấp cao Daniel Hynes của Ngân hàng ANZ cho biết, tâm lý thị trường đang chuyển sang ủng hộ vàng.

Christopher Wong, chuyên gia phân tích Quỹ OCBC FX, cũng cho biết các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tác động xấu đến nền kinh tế. Fed có thể buộc phải làm chậm quá trình tăng lãi suất và điều này tác động tích cực đến tài sản trú ẩn như vàng.

Vì sự kỳ vọng này, cũng khiến cho đồng USD yếu đi và giúp giá vàng "tăng tốc". Sắp tới, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022. Theo ông, nếu chỉ số này giảm sẽ giúp vàng tiếp tục tăng.

USD tự do giảm mạnh

Thị trường kim loại quý hưởng lợi song USD lại chịu sức ép lớn. USD-Index - đo sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - đã rớt xuống 102,9 điểm.

Ngân hàng Nhà nước kết thúc ngày 9/1 niêm yết tỷ giá trung tâm tại mức 23.605 đồng/USD, giữ nguyên so với mức giá đóng cửa hôm trước. Với biên độ 5% như hiện tại, các ngân hàng thương mại được phép niêm yết giá trần USD ở mức 24.785 đồng/USD và giá sàn là 22.424 đồng/USD.

Vàng trong nước ngược chiều thế giới, mất mốc 67 triệu đồng/lượng - 2

Đồng bạc xanh chịu sức ép lớn sau thời gian tăng "nóng" năm 2022 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng lớn tăng khoảng 10-30 đồng mỗi chiều giao dịch, phổ biến ở 23.290-23.640 đồng/USD (mua - bán). Các ngân hàng cổ phần niêm yết giá đồng bạc xanh ở 23.320-23.590 đồng/USD (mua - bán). Năm ngoái, có thời điểm các nhà băng từng niêm yết giá bán USD sát 25.000 đồng/USD, sau đó giảm dần trong 3 tháng cuối năm cho đến nay.

Thị trường ngoại tệ tự do hiện giao dịch đồng bạc xanh ở mức 23.500-23.650 đồng/USD, giảm 130 đồng ở chiều mua và 50 đồng ở chiều bán so với hôm qua. Giá USD giữa thị trường tự do và trong ngân hàng hiện gần như bằng nhau.