Vàng tăng sốc, có người kiếm 10 tỉ một ngày

Cơn sóng phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc đang tạo ra những cú va đập mạnh khó lường đến các kênh đầu tư trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Giá USD và vàng biến động 30 lần/ngày, chứng khoán đỏ lửa, doanh nghiệp (DN) Việt căng mình lo đối phó hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào.

Đó là những thông tin nổi bật trên thị trường Việt Nam ngày hôm qua 13-8, sau khi Trung Quốc lần thứ ba liên tiếp phá giá mạnh đồng nhân dân tệ với mức giảm tổng cộng khoảng 4,6%.

Ùn ùn kéo nhau mua vàng

Phản ứng trước việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, giới đầu tư tìm nơi “trú ẩn” là vàng. Điều này đẩy giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng.

Mở cửa phiên giao dịch ngày hôm qua, giá vàng SJC liên tục điều chỉnh theo chiều hướng tăng. Chỉ trong phiên giao dịch buổi sáng, vàng SJC đã tăng gần 1,2 triệu đồng/lượng.

Sang phiên buổi chiều, vàng SJC tiếp tục nhảy múa trước khi ổn định ở ngưỡng bán ra 34,8 triệu đồng/lượng và mua vào 34,1 triệu đồng/lượng. Biên độ giữa mua vào và bán ra vênh nhau khoảng 700.000 đồng/lượng.

Như vậy, chỉ tính từ đầu tuần đến nay giá vàng trong nước đã tăng gần 2 triệu đồng/lượng, từ dưới mức 33 triệu đồng/lượng tăng lên sát ngưỡng 35 triệu đồng/lượng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại trụ sở chính SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 ngay từ đầu buổi sáng khá đông người đã tới để mua vàng. Khảo sát tại nhiều khu phố vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), chợ Bến Thành cũng cho thấy lượng người đến giao dịch đông hơn mọi ngày.

Vàng tăng sốc, có người kiếm 10 tỉ một ngày - 1

Vàng SJC tiếp  tục nhảy múa trên dưới 30 lần. Ảnh: HTD

Theo các chuyên gia, vàng trong nước tăng giá do nhiều yếu tố như giá vàng thế giới tăng, điều chỉnh tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước, Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ...

Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho biết: “Tính chung giá vàng thế giới tăng khoảng 1,3 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nội tăng gần 2 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân một phần là do nguồn cung vàng miếng trở nên khan hiếm và nhiều người đã quay trở lại với vàng”.

Một ngày kiếm 10 tỉ đồng

Trước cơn sóng lớn trên thị trường vàng, theo ông Hải, từ đầu tuần đến nay đã thấy xuất hiện lực mua vàng đón sóng khá lớn từ các DN vàng. Bên cạnh đó có nhiều người đang đẩy mạnh việc mua vàng và tích trữ USD với hy vọng đón sóng từ tỉ giá.

Còn ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh SJC, cho hay hai ngày qua có nhiều người mua vài chục đến cả trăm lượng, khác hẳn với trước đây chỉ mua bán với số lượng lẻ. “Lượng khách hàng chủ yếu là mua vào. Tại SJC, giao dịch trong ngày hôm qua tăng lên 20%-30% so với những ngày trước” - ông Tường thông tin.

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM tiết lộ một nhà đầu tư tài chính đã đón sóng giá vàng và giá tiền tệ nên chỉ trong ngày 12-8 đã lời 10 tỉ đồng từ việc lướt sóng vàng và ngoại tệ. Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm hoi của những tay đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Còn với người dân bình thường thì chưa có hiện tượng rút tiền đồng từ ngân hàng để mua vàng hay chơi chứng khoán trước thông tin đồng nhân dân tệ mất giá.

“Hay nói đúng hơn, có hiện tượng rút tiền nhưng không đáng kể và không phải là xu hướng” - vị lãnh đạo ngân hàng này nói.

Trong diễn biến liên quan, ở các ngân hàng thương mại, giá USD sau một ngày tăng vọt lên ngưỡng 22.000 VND/USD thì ngày hôm qua đã “hãm” lại khi hầu hết ngân hàng niêm yết không đổi so với ngày trước đó. Còn chứng khoán vẫn đang trong đà giảm giá. Riêng hôm qua thị trường này tiếp tục mất khoảng 3-4 điểm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, trong ngày hôm qua, giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại và giá vàng biến động khoảng trên dưới 30 lần. Giá USD trong các ngân hàng cũng tương đương với giá trên thị trường tự do.

“Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để theo dõi các biến động cũng như kiểm tra, thanh tra ngăn chặn các hoạt động không đúng quy định để kịp thời xử lý… Đến hôm qua mọi hoạt động cung-cầu ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường. Mọi nhu cầu chính đáng của người dân đều được đáp ứng đầy đủ” - ông Minh khẳng định.

Nông sản Việt gặp khó

Nhiều chuyên gia cho rằng việc hạ giá đồng nhân dân tệ là một bước đi mới của Trung Quốc nhằm giành lợi thế cho xuất khẩu. Hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn, trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào nước này sẽ khó vì đắt hơn.

Trên thực tế, một số DN xuất khẩu nông sản Việt Nam cho hay đã có dấu hiệu nhà nhập khẩu Trung Quốc làm khó đối với các đơn hàng xuất khẩu đã ký. Ông Nguyễn Văn Đôn, Công ty TNHH Việt Hưng, nói với lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 70% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của công ty nên việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu gạo và các loại nông sản khác.

Ông Đôn dẫn chứng, giá gạo thơm đang bán chính ngạch sang Trung Quốc giá 580 USD/tấn. Với tỉ giá trước khi Trung Quốc chưa phá giá là 1 USD = 6,1162 nhân dân tệ, nhà nhập khẩu Trung Quốc chỉ bỏ ra 3.550 nhân dân tệ/tấn gạo. Nhưng với tỉ giá mới ngày 13-8, 1 USD = 6,4010 nhân dân tệ vì thanh toán bằng USD thì nhà nhập khẩu Trung Quốc phải trả thêm 4,6%, tương đương phải bỏ ra gần 3.720 nhân dân tệ để mua một tấn gạo (tăng 170 nhân dân tệ so với giá đơn hàng cũ).

“Việc phải mua gạo Việt Nam với giá cao, buộc nhà nhập khẩu Trung Quốc phải bán ra với giá cao hơn có lợi nhuận. Điều đó buộc DN nhập khẩu Trung Quốc giảm mua gạo từ Việt Nam, chuyển sang mua gạo Thái, Myanmar” - ông Đôn lo ngại.

Không chỉ vậy, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, còn cho rằng hàng thủy sản xuất khẩu và các ngành khác cũng bị cạnh tranh khốc liệt với hàng xuất khẩu Trung Quốc trên thị trường nước ngoài.

Không lượng hóa được buôn lậu

Tại hội thảo về chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Trung Quốc do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 13-8, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng sự chênh lệch số liệu thống kê giữa các nước là có và chắc chắn sẽ tăng thêm. Buôn lậu, gian lận thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không hề nhỏ nhưng định lượng được con số bao nhiêu là rất khó.

Trước đó, trên diễn đàn Quốc hội ngày 8-6, đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho biết năm 2014 thâm hụt thương mại của Việt Nam và Trung Quốc là 43,8 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỉ USD mà Việt Nam công bố, một khoản chênh lệch gần 15 tỉ USD.

Trà Phương

Khó có chiến tranh tiền tệ

Nhiều ý kiến cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ đang khơi mào cho một cuộc chiến tranh tiền tệ. Nhưng tôi cho rằng chiến tranh tiền tệ sẽ khó xảy ra. Thị trường thế giới những ngày qua chứng kiến việc vàng tăng, chứng khoán giảm… nhưng đó chỉ là phản ứng tức thời của thị trường.

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Chứng khoán Việt Nam giảm trong mấy ngày qua có nguyên nhân từ yếu tố tâm lý phản ứng dây chuyền. Nghĩa là những thông tin về đồng nhân dân tệ phá giá tác động mạnh đến DN, tạo những phản ứng tiêu cực lên thị trường chứng khoán.

TS Nguyễn Ngọc Huy,  Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Theo Yến Trang - Quang Huy
Pháp Luật TPHCM

Vàng tăng sốc, có người kiếm 10 tỉ một ngày - 2