Vàng SJC đắt hơn vàng thế giới gần 18 triệu đồng/lượng
(Dân trí) - Khoảng cách giữa vàng miếng SJC và vàng thế giới ngày càng rộng, lên gần 18 triệu đồng/lượng.
9h sáng nay (9/6), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 68,8 - 69,72 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng/lượng mỗi chiều so với phiên 8/6. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương ở Hà Nội nhưng giá bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán dao động 900.000 - 920.000 đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở 1.851 USD/ounce (tương đương 51,82 triệu đồng/lượng), tăng 2 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,9 triệu đồng/lượng.
Lý giải về mức chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, khoảng cách giữa vàng miếng SJC và vàng thế giới ngày càng rộng một phần đến từ chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế.
"Năm 2012 là thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Từ năm 2014 đến nay, NHNN không nhập vàng về sản xuất vàng miếng. Do đó, nguồn cung vàng miếng trong nước giảm đi, vì một phần số vàng được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ", bà Hồng giải thích.
Theo đánh giá của NHNN, giá vàng trong nước có cùng xu hướng với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn, còn tốc độ điều chỉnh xuống của giá vàng trong nước lại chậm hơn giá vàng thế giới.
Trong 3 phiên giao dịch gần đây, giá vàng thế giới không thể vượt qua ngưỡng 1.860 USD/ounce khi chỉ số đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn ở mức cao. Hiện tại, thị trường vàng đang ngóng chờ 2 tin tức quan trọng là cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ trong tháng 5. Dự kiến, CPI của nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn tháng 4 là 0,1%.
Chuyên gia Michael Boutros từ DailyFX đánh giá thị trường vàng đang trong trạng thái bấp bênh. "Vàng có thể rơi vào trạng thái bán tháo mạnh nếu trượt khỏi mốc 1.800 USD/ounce. Đặc biệt, chúng có thể rơi vào vùng nguy hiểm nếu giá đóng cửa dưới 1.791 USD/ounce", ông nói.
Một số chuyên gia dự báo, vàng khó tỏa sáng trong ngắn hạn khi các ngân hàng trung ương mạnh tay trong vấn đề lãi suất. Vì lạm phát đang là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi của kinh tế sau dịch Covid-19.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo "nóng" về mức độ lạm phát. WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 2,9% so với mức dự báo 4,1% hồi tháng 1 và cảnh báo nguy cơ một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Tại Mỹ, dự báo tăng trưởng bị giảm xuống 2,5% trong năm nay so với mức 3,7% vào tháng 1. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc - dự báo tăng trưởng xuống mức thấp là 4,3%. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xuống 2,5%, Nhật Bản còn 1,7%, trong khi đó nền kinh tế Nga có thể giảm 11,3%.