1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vàng “nội” đang cao hơn vàng “ngoại” 3 triệu đồng/lượng

(Dân trí) - Sáng nay 9/9, giá vàng mở cửa phiên giao dịch tuần mới gần như không thay đổi so với chốt phiên cuối tuần qua, hiện giao dịch dưới ngưỡng 38,5 triệu đồng/lượng. Dù vậy, khoảng cách chênh lệch giữa vàng “nội” và vàng “ngoại” rút ngắn về mốc 3 triệu đồng/lượng.

Vàng giao dịch dưới ngưỡng 38,5 triệu đồng/lượng (ảnh: AH).
Vàng giao dịch dưới ngưỡng 38,5 triệu đồng/lượng (ảnh: AH).

Mở cửa thị trường vàng trong nước sáng nay 9/9, giá vàng SJC tại Hà Nội và TPHCM được Công ty VBĐQ DOJI niêm yết giao dịch ở mức 38,36 triệu đồng/lượng (mua vào) - 38,48 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 38,37 triệu đồng/lượng - 38,47 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.

So với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI điều chỉnh giảm nhẹ mỗi chiều 10.000 đồng/lượng. Với mức điều chỉnh này, vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 3 triệu đồng/lượng.

Theo cập nhật của Công ty VBĐQ Sài Gòn, giá vàng SJC tại TPHCM hiện giao dịch ở mức 37,27 triệu đồng/lượng - 38,47 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.

Còn theo báo giá của Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý, giá vàng SJC tại Hà Nội giao dịch ở mức 38,38 triệu đồng/lượng - 38,48 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ chiều mua vào 10.000 đồng/lượng nhưng cũng giảm nhẹ 10.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Thị trường vàng trong nước tuần qua dù biến thiên theo xu hướng chính trên thị trường vàng thế giới nhưng “cách” mà giá vàng “nội” thể hiện chỉ phản ánh phần nào mức biến động của vàng “ngoại”. Nếu phản ánh đúng sự biến động của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước những phiên qua phải tăng - giảm tương ứng mỗi phiên từ 400.000 đồng/lượng - 500.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước chỉ biến thiên lên - xuống trong phạm vi từ 100.000 đồng/lượng - 200.000 đồng/lượng. Vì thế, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có xu hướng co lại khi giá vàng thế giới tăng; giãn ra khi giá thế giới giảm. Khoảng cách chênh lệch vì thế cũng đã giãn rộng lên mức 3,3 triệu đồng/lượng, thay cho mức 2 triệu đồng/lượng cuối tháng 8.

Về giao dịch, theo thống kê của Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý, do thị trường trong nước và thế giới không thật sự có “sóng” mạnh nên lượng giao dịch trên thị trường chỉ ở mức trung bình, chủ yếu là các giao dịch nhỏ lẻ.

Đến với thị trường thế giới, lúc 8h30 sáng nay, giá vàng giao ngay tại châu Á có biên độ tăng hơn 2 USD, giao dịch ở mức 1.391 USD/ounce. Kết thúc tuần giao dịch đầu tháng 9, giá vàng cũng tăng mạnh trước thông báo số lượng việc làm của Mỹ thấp hơn dự báo.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng giao ngay tại châu Á có biên độ tăng hơn 21 USD, lên mức 1.388,8 USD/ounce; còn giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex tăng gần 1%, lên mức 1.386,5 USD/ounce.

Dù tăng mạnh nhưng tính chung tuần qua giá vàng vẫn mất 0,5% và là tuần giảm thứ 2 liên tiếp. So với mức giá kỷ lục đạt được 2 năm trước 1.923,7 USD/ounce, giá vàng hiện nay đã giảm tới 28%.

Vào ngày 17 - 18/9 tới, các nhà chức trách của Fed sẽ có phiên họp chính sách của Ủy ban thị trường mở. Việc Fed có cắt giảm gói 85 tỷ USD mua trái phiếu hàng tháng hay không vẫn đang là một câu hỏi bỏ ngỏ. Những vấn đề chính trị liên quan đến Syria hiện chưa chắc chắn, cộng thêm các dữ liệu kinh tế tốt - xấu đan xen càng khiến cho mọi đồn đoán về động thái của Fed trong cuộc họp này càng trở nên mơ hồ.

Nhận định về giá vàng tuần này, 13/20 chuyên gia tham gia khảo sát của Kitco cho rằng giá sẽ tăng, áp đảo so với 6 ý kiến ngược lại. Chỉ có 1 người nghiêng về khả năng vàng sẽ đứng giá.

An Hạ