Vàng miếng SJC lại "sốt" giá?
(Dân trí) - Mỗi lượng vàng miếng SJC tăng hơn 1 triệu đồng trong ngày, lên trên 75 triệu đồng. Chênh lệch 2 chiều mua - bán thu hẹp xuống còn 2,5 triệu đồng.
Vàng thế giới giữ đà tăng
Sáng 12/1, mỗi lượng vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 73-75,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200.000 đồng mỗi chiều so với hôm qua. Trong ngày 11/1, giá vàng tăng 1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch 2 chiều mua - bán là 2,5 triệu đồng - vẫn là khoảng cách lớn so với mức thông thường chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi lượng.
Vàng nhẫn cũng tăng giá nhưng với mức độ thấp hơn, được niêm yết tại 62,1-63,3 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng chiều mua và 200.000 đồng chiều bán khi mở cửa phiên sáng nay.
Vàng nhẫn cũng tăng giá nhưng với mức độ thấp hơn. Hiện vàng nhẫn SJC được niêm yết tại 62-63,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng trong phiên hôm qua.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay đạt 2.034 USD/ounce, tăng 5 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, mức này tương đương 60,3 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới là 15 triệu đồng.
Giá vàng thế giới tiếp tục củng cố trên mức 2.000 USD/ounce và đang tìm động lực tăng giá khi báo cáo công bố mới nhất cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng cao. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 0,3% trong tháng 12. Chỉ số này trong tháng 11 là 0,1%. Lạm phát trong 12 tháng qua cũng đã tăng cao hơn dự kiến với mức tăng 3,4%.
Dữ liệu giá tiêu dùng tháng 12 của Mỹ cao hơn dự kiến làm dấy lên lo ngại lãi suất có thể bị hạn chế lâu hơn. Điều đó đã thúc đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng.
Dự báo hướng đi của vàng năm nay, các chuyên gia phân tích của HSBC cho rằng sự suy yếu của đồng USD đã đẩy vàng lên mức cao kỷ lục trong tháng cuối cùng của năm 2023, nhưng kim loại quý này có thể sẽ giảm trong năm nay.
Theo các nhà phân tích tiền tệ của ngân hàng này, nếu kịch bản cắt giảm lãi suất xảy ra, vàng sẽ tăng giá. Tuy nhiên, việc thị trường quá lạc quan về khả năng cắt giảm lãi suất cũng có thể sẽ tạo động lực tăng giá mới cho đồng USD. Ngoài ra, lãi suất thực cao hơn cũng sẽ tạo ra một "cơn gió ngược" khác đối với kim loại quý này.
Các chuyên gia lưu ý, đà giảm của kim loại quý sẽ được hạn chế nhờ nhu cầu trú ẩn do lo ngại rủi ro địa chính trị và thương mại tăng cao, nhu cầu của ngân hàng trung ương và nhu cầu đa dạng hóa danh mục của các nhà đầu tư.
USD tăng giá
USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - tiếp tục phục hồi, hiện ở 102,2 điểm, tăng 2,54% so với đáy hồi tháng 7.
Tỷ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tại 23.976 đồng/USD, tăng 28 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.777 đồng đến 25.174 đồng.
Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá mua - bán là 24.270-24.640 đồng/USD (mua-bán), tăng 70 đồng mỗi chiều. Tại ngân hàng cổ phần, giá là 24.270-24.670 đồng/USD, tăng 70 đồng mỗi chiều.
Trên thị trường tự do, giá USD ở 24.750-24.850 đồng/USD, tăng khoảng 200 đồng mỗi chiều từ đầu năm.