Vấn đề kinh tế nào được nhắc tới trong cuộc hội kiến giữa Thủ tướng và Tổng thống Obama?
(Dân trí) - Tại buổi hội kiến với Tổng thống Obama, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các bên cần khẩn trương phê chuẩn Hiệp định TPP và đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Ngày 16/2/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến Tổng thống Obama bên lề Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ tại Sunnylands để trao đổi về quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tại buổi hội kiến kéo dài 40 phút này, ngoài các vấn đề về Biển Đông và đề nghị hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, về quan hệ song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký chính thức, do đó các bên cần khẩn trương hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định theo quy định của từng nước.
Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; đề nghị Hoa Kỳ kéo dài thời gian từ 18 tháng lên 3 đến 4 năm để phía Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi các biện pháp quản lý nhằm đáp ứng những quy định liên quan trong Luật Nông trại 2014 (Farm Bill 2014) của Hoa Kỳ, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra, ba sa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Thủ tướng cho biết mặt hàng cá tra, ba sa của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn rất lớn nếu không có biện pháp xử lý phù hợp, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm mạnh và ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của hàng chục triệu người lao động nghèo.
Trong số các nội dung được nhắc tới trong buổi hội kiến giữa hai vị lãnh đạo cấp cao, TPP là một trong số những nội dung từng được giới chuyên gia đánh giá là cơ hội để các quốc gia thay đổi cơ cấu kinh tế, trong đó có quan hệ đầu tư, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “20 năm quan hệ Việt - Mỹ” diễn ra hồi cuối tháng 1/2016 vừa qua, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, TPP sắp được thông qua chính là chìa khoá mở ra triển vọng hợp tác của hai nước trong tương lai.
Đại sứ Mỹ, Ted Osius nhấn mạnh, TPP đang đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Mỹ, Việt Nam cũng như các nước thành viên. Nếu xét riêng mối quan hệ Việt - Mỹ, TPP cho thấy hai nước ngoài sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, thể chế còn tồn tại rất nhiều điểm chung về mục tiêu tập trung hợp tác, phát triển như: kinh tế, giáo dục, an ninh, môi trường…
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, hiệp định này là ngưỡng cao nhất mà hai nước có thể tham gia. Theo đó, ông kỳ vọng bức tranh thương mại giữa hai nước sẽ chuyển sang trang mới tươi sáng hơn khi TPP được thông qua.
Về nội dung công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vào năm 2013, trong chuyến thăm Hoa Kỳ gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng có trình bày đề nghị phía Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định TPP, theo đánh giá của Ban Kinh tế trung ương, tham gia TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phương Dung