Vẫn còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư

Đó là nhận định của Thạc sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính chứng khoán, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng khi trả lời phỏng vấn về diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay.

Chỉ số VN-Index đang liên tục giảm, giá nhiều loại cổ phiếu (CP) blue-chips rớt mạnh khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Ông nhận định ra sao về tình hình này?

Trước đây trong vòng hơn một năm thôi, VN-Index đã tăng đến 200%, nhiều chuyên gia cho rằng đó là bất bình thường. Giờ thì VN-Index tuy giảm nhưng chưa xuống đến 900 điểm, nhiều người lại ngạc nhiên. Tôi thì rất đồng ý với nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính  rằng TTCK Việt Nam đang đi vào ổn định.

Ông có thể phân tích rõ hơn?

Nhận xét của Bộ trưởng Bộ Tài chính có sự tương đồng với quan sát của tôi về tác động của Lý thuyết thị trường hiệu quả (Efficient market hypothesis) trong giai đoạn hiện nay. Lý thuyết này cho rằng đối  với thị trường ổn định thì thị giá cổ phiếu (CP) sẽ gần sát với giá thực.

Trong giai đoạn đầu năm 2007, VN-Index đạt đến 1.300 điểm cho thấy giá thị trường đã tách quá xa so với giá trị thực mà nhiều chuyên gia cho rằng giá ảo. Với  Lý thuyết thị trường hiệu quả thì hiện tượng này chỉ là nhất thời vì giá thị trường rồi sẽ trở về gần với giá trị thực, đó cũng là giai đoạn TTCK đi vào ổn định.

Báo cáo của tập đoàn Merrill Lynch về TTCK Việt Nam vừa qua đã gây “sốc”cho nhiều nhà đầu tư, điều đó có tác động đến thị trường như thế nào, thưa ông?

Vẫn còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư - 1
  

Thạc sĩ Đinh Thế Hiển.

Tôi cho rằng nhận định của Merrill Lynch là rất đáng quan tâm. Việc tăng trưởng VN-Index có nhiều yếu tố tác động, nhưng yếu tố cơ bản vẫn là tốc độ tăng EPS.

Trước đây các chuyên gia và tổ chức tài chính (trong đó có Merrill Lynch) thấy rằng mặc dù P/E của các công ty blue-chips rất cao (trên 40 trong khi bình quân thế giới là 12 - 18), nhưng với tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ cao (trên 30%) thì P/E tương lai sẽ giảm, và tất nhiên cho phép CP tăng giá để nhà đầu tư có lợi.

Nhưng sau khi thống kê các tháng đầu năm 2007 Merrill Lynch nhận thấy tốc độ tăng bình quân EPS các công ty này dưới 10% trong khi kỳ vọng phải là 15% trở lên, kết quả này đồng nghĩa với việc hệ số P/E rất cao của các blue-chips sẽ khó được cải tiến, tức là khó có khả năng tăng giá CP của nhóm này trong thời gian tới, đó là nguyên nhân cho sự suy giảm giá CP.

Với tình hình như vậy thì cơ hội đầu tư sinh lợi vào TTCK là không khả quan?

Trước hết, nhận định nên rút lui khỏi TTCK Việt Nam của Merrill Lynch không đồng nghĩa với TTCK Việt Nam sẽ suy thoái, mà chỉ là cơ hội trên TTCK Việt Nam đối với Merrill Lynch không còn lớn theo kỳ vọng của họ.

Bên cạnh đó nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào VN, và không sớm thì muộn các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam cũng nhận ra kênh đầu tư chứng khoán là kênh có mức sinh lời tốt nhất so với các kênh đầu tư khác, do họ đã đầu tư trực tiếp vào nơi gốc để tạo ra giá trị gia tăng.

TTCK Việt Nam luôn tiếp tục tăng trưởng với sự xuất hiện ngày càng nhiều công ty có mức sinh lợi rất tốt so với thị giá CP, và như vậy các nhà đầu tư đang có những cơ hội mới.

Như vậy, nhà đầu tư không nên hoang mang trước chiều hướng giảm giá của CP hiện nay? Họ phải đầu tư như thế nào?

Đúng vậy. Chúng ta thấy rằng mặc dù hiện nay VN-Index đang có xu hướng giảm nhưng các CP không thuộc nhóm blue-chips vẫn khá ổn định, điều này càng củng cố nhận định của tôi về sự phát huy của Lý thuyết thị trường hiệu quả, và đó là dấu hiệu rõ rệt về một TTCK Việt Nam đang phát triển theo hướng ổn định, và giai đọan này luôn là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư giá trị trong dài hạn.

Với tình hình này khá nhiều CP niêm yết với quy mô vốn hóa vừa phải và có lợi nhuận ổn định rất đáng được quan tâm và hứa hẹn sinh lời tốt. Nếu nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận đến 200-300%/năm thì sẽ rất khó tìm cơ hội nhưng nếu đặt mục tiêu khoảng 30%/năm (gấp 3,5 lần lãi suất ngân hàng) thì cơ hội đầu tư là quá nhiều.

Theo H.Sơn
Báo Thanh niên