1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vẫn còn 6 bộ, 15 địa phương chưa chịu... tiêu tiền

An Linh

(Dân trí) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm vẫn rất chậm, chỉ đạt 36,7% kế hoạch. Trong đó, có 6 bộ chưa giải ngân đồng nào, 15 địa phương mới giải ngân 25% vốn được giao.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước lũy kế 6 tháng và ước thực hiện 7 tháng. Theo báo cáo, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hiện nay vẫn chậm, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Vẫn còn 6 bộ, 15 địa phương chưa chịu... tiêu tiền - 1

Hiện có 6 bộ, 15 địa phương vẫn chưa chịu tiêu tiền đầu tư công đúng kế hoạch (Ảnh minh họa).

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021 trong 7 tháng đầu năm đạt 36,71% kế hoạch, thấp hơn so với mức 40,67% của cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn trong nước đạt 40,38% (cùng kỳ năm 2020 là 44,05%); vốn nước ngoài đạt 7,52% (cùng kỳ năm 2020 đạt 17,15%).

Đến hết tháng 7, chỉ có 11 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% kế hoạch. Trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Thái Bình (71,04%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,27%), Hưng Yên (65,64%), Hà Nam (64,36%), Thanh Hóa (61,59%), Văn phòng Quốc hội (52,96%), Kiểm toán Nhà nước (49,79%).

Còn lại hầu hết bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 34/50 bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%. Đặc biệt, có 6 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Bộ Tài chính cho biết, tiến độ giải ngân của một số dự án trọng điểm cũng còn thấp. Cụ thể, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, lũy kế vốn đã bố trí cho dự án từ năm 2018 đến năm 2020 là hơn 22.885 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến nay dự án này đã giải ngân 10.690 tỷ đồng, đạt dưới 50% kế hoạch được giao.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 cũng giải ngân thấp, khi chỉ đạt hơn 6.900 tỷ đồng, chưa tới 50% kế hoạch năm 2021. 

Về nguyên nhân, Bộ Tài chính cho biết, lý do chính là tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại hầu hết địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, trong đó có các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Ngoài ra, các yếu tố khác như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bất cập trong công tác đấu thầu.

Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân đến từ vướng mắc về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, hiệp định vay; sự chậm trễ trong triển khai thực hiện dự án, xác nhận khối lượng hoàn thành, hoàn thiện thủ tục thanh toán...

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2021, Bộ Tài chính đã kiến nghị các bộ ngành, cơ quan, địa phương nghiêm chỉnh thực hiện các chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm nay và đầu năm 2022.

Mới đây, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước cũng đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các giải pháp của chủ đầu tư để tiếp tục đôn đốc, tháo gỡ và khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn.