VAMC đang tiếp nhận nhiều “bệnh nhân” … nợ xấu

(Dân trí) - “Có thể ví công ty mua bán nợ là “bệnh viện nợ xấu”, sau khi tiếp nhận bệnh nhân sẽ phải khám bệnh, phân loại bệnh, tìm liều thuốc điều trị cho phù hợp. Hiện nay, chúng tôi đang giai đoạn tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân”, Phó Chủ tịch thường trực VAMC chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch thường trực hội đồng thành viên Công ty Quản lý và Khai thác tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã chia sẻ với báo chí như vậy về kế hoạch mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch VAMC.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch VAMC.

VAMC vừa có hợp đồng mua bán nợ đầu tiên đến từ Agribank. Ông có thể chia sẻ lý do tại sao lại chọn ngân hàng này làm “điểm đến” đầu tiên của VAMC?

Đây là một cơ duyên, không phải vì tôi từng ở Agribank về làm VAMC, mà Agribank là tổ chức tín dụng có mạng lưới rộng lớn, tổng tài sản lớn, các khoản nợ xấu có trách nhiệm trích lập dự phòng. Ngân hàng này cũng rất muốn cơ cấu lại khoản nợ, danh mục đầu tư. Không phải VAMC buộc Agribank bán nợ, mà Agribank chủ động làm việc với chúng tôi. Sau 1 tuần làm việc, chúng tôi đã rà soát, phân loại trên mấy chục hồ sơ để tìm ra được 11 khách hàng có 27 khoản nợ đủ điều kiện để mua bán nợ.

Về việc mua nợ của Agribank, giá trị sổ sách bán là hơn 2.500 tỷ nhưng VAMC mua chỉ 1.700 tỷ. Tại sao lại có sự chênh lệch về con số này, thưa ông?

Agribank là một tổ chức tín dụng của nhà nước, nợ xấu phải trích lập dự phòng rủi ro nghiêm túc theo quy định. Trong tổng số 2.500 tỷ thì Agribank đã trích lập dự phòng rủi ro 800 tỷ đồng, số còn lại bán nợ cho VAMC hơn 1.700 tỷ là như vậy.

Được biết, sau hợp đồng ký với Agribank, trong tuần này, VAMC sẽ mua nợ xấu của 3 ngân hàng là SCB, SHB và PGBank. Với SHB, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 9% sẽ được VAMC mua nợ như thế nào?

Trong tuần này chúng tôi sẽ ký với SCB, SHB và PGBank. Các khoản nợ này đã thông qua hội đồng thành viên VAMC và làm các thủ tục cần thiết trước khi ký kết. Agribank mới ký đợt một, chúng tôi cũng có kế hoạch là các đợt tiếp theo, Agribank đã gửi tiếp hồ sơ, các ngân hàng khác cũng vậy.

Với SHB, ngân hàng này đã chuyển nhiều hồ sơ nhưng chúng tôi thấy chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Cho nên chúng tôi chỉ rà soát, xem xét một số khoản nợ đáp ứng yêu cầu, các khoản nợ của ngân hàng này có giá trị không nhiều nhưng mất nhiều thời gian để thẩm định.

Còn với Navibank?

Navibank có mời VAMC xuống làm việc, đề nghị bán các khoản nợ xấu có giá trị 200 tỷ nhưng hồ sơ chưa đầy đủ.

Vậy từ việc mua bán nợ xấu thành công với Agribank, ông có khuyến nghị gì với các tổ chức tín dụng có nợ xấu hiện nay?

Các tổ chức tín dụng nên xem xét việc bán nợ cho VAMC. Lợi ích đầu tiên khi các ngân hàng bán nợ cho VAMC là không phải trích dự phòng rủi ro 100 %, mà mỗi năm chỉ phải trích 20%. Cùng với đó, ngân hàng được sử dụng trái phiếu đặc biệt để tái cấp vốn. Ngoài ra, đây là cơ hội để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại chính mình để từng bước ổn định. Qua bán nợ, tổ chức tín dụng sẽ giảm được tỷ lệ nợ xấu, nâng được vị thế, hệ số tín nhiệm của mình.

Điều đáng mừng là hiện nay có 4 tổ chức tín dụng có nợ xấu dưới 3% đã đăng ký bán nợ cho VAMC, trong đó có 1 tổ chức tín dụng của nhà nước.

Ông có thể chia sẻ về kế hoạch mua nợ xấu của VAMC từ nay đến cuối năm? Bởi khi mới thành lập VAMC, Thống đốc Nguyễn Văn Bình có nói, năm nay có thể giải quyết 70.000 tỷ nợ xấu nhưng tại phiên họp Chính phủ tháng trước, Thống đốc cho biết khả năng chỉ xử lý 30.000 tỷ - 40.000 tỷ.

70.000 tỷ đồng mà Thống đốc đưa ra là từ hồi tháng 3, tháng 4 nhưng tới tháng 9, 10 chúng ta mới bắt tay vào làm chính thức. Chúng tôi đã có kế hoạch phát hành trái phiếu 30.000 tỷ đồng để mua nợ xấu. Chúng tôi đã có danh sách của 10 - 15 tổ chức tín dụng đăng ký bán nợ xấu cho VAMC. Hồ sơ đã gửi là 7 đơn vị, trong đó có cả các tổ chức tín dụng lớn của nhà nước.

Sau khi VAMC mua nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, các khoản nợ này sẽ được xử lý thế nào, thưa ông?

Hiện nay, chúng tôi đang tập trung mua nợ của các tổ chức tín dụng. Sắp tới mô hình công ty phải phát triển đảm bảo phân loại nợ, hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại nợ. Không phải chúng tôi mua nợ về đề bán tài sản của doanh nghiệp đi, mà phối hợp với ngân hàng và doanh nghiệp để cơ cấu lại các khoản nợ.

Nghị định 53 quy định một trong những điều kiện mua bán nợ là doanh nghiệp phải có khả năng tồn tại, phát triển. Sau khi doanh nghiệp bán nợ vẫn được ngân hàng tạo điều kiện để hỗ trợ vay vốn. Có thể ví công ty mua bán nợ là “bệnh viện nợ xấu”, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, sẽ phải khám bệnh, phân loại bệnh, tìm liều thuốc điều trị cho phù hợp. Hiện nay, chúng tôi đang giai đoạn tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân.

Do đó, không chỉ một mình VAMC làm được, mà cần sự hỗ trợ tích cực của rất nhiều tổ chức. Cùng với đó, VAMC phải nâng cao năng lực của mình để đáp ứng với yêu cầu thực tế. Đã là bệnh viện phải có bác sĩ giỏi. Không phải vô cơ chúng tôi đưa ra tiêu chí lựa chọn nhân sự phải làm 5 năm tại các tổ chức tín dụng mới được về VAMC làm việc.

Chúng tôi phải có trong tay một đội ngũ cán bố, giỏi chuyên môn, đạo đức tốt để làm sao sau khi mua được nợ thì phân loại, cơ cấu nợ và hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển. Xin nhấn mạnh là, không phải mục tiêu của chúng tôi chỉ mua nợ để rồi bán nợ. Chúng tôi chỉ bán nợ sau khi đã trao đổi, bàn bạc, thống nhất, đồng thuận với các bên.

Giả sử các khoản nợ sau này VAMC bán đi bị lỗ so với thời điểm mua vào thì sao?

VAMC là đơn vị hạch toán phi lợi nhuận, gần như một doanh nghiệp công ích. Vì vậy, khi bán giá trị tài sản thấp hơn giá trị ghi sổ, thì tổ chức tín dụng phải xác định dùng nguồn dự phòng để bù đắp. Không lý gì chúng tôi bán rẻ tài sản mà không bàn với tổ chức tín dụng.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền