1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

VAMC sẽ xử lý 10.000 tỷ đồng nợ xấu trong vòng 2 tháng

(Dân trí) - Tổng giám đốc VAMC cho biết, tổ chức này sẽ tiến hành mua khoản nợ xấu đầu tiên trong vòng 2 tuần tới, mua theo giá sổ sách và bán theo giá thị trường. VAMC dự kiến đề xuất NHNN cho phép mua nợ xấu theo giá thị trường sau năm 2013.

Việc xử lý nợ xấu của VAMC được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng.
Việc xử lý nợ xấu của VAMC được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 6/8, Tổng giám đốc Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) Nguyễn Hữu Thuỷ cho biết, trong vòng 2 tháng tới, tổ chức này sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt cho khoảng 10 ngân hàng để đổi lấy khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu (tương ứng khoảng 474 triệu USD). 

Các ngân hàng bán nợ xấu sẽ có thể sử dụng những trái phiếu này làm tài sản đảm bảo để được tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

“Chúng tôi sẽ tiến hành mua khoản nợ xấu đầu tiên trong vòng 2 tuần tới” – ông Thuỷ nói. “Điều này sẽ mang đến cho thị trường và các nhà đầu tư một thông điệp tích cực, họ sẽ thấy được tiến độ cụ thể cũng như quyết tâm của chúng ta trong tiến trình xử lý nợ xấu”.

Bán cổ phần giá rẻ

“Chúng tôi sẽ bán đấu giá nợ xấu, tức là sẽ có một mức chiết khấu so với giá đầu vào và như vậy, sẽ có người phải chịu thiệt khoản này”, ông Thuỷ cho biết. “Các ngân hàng và khách hàng đi vay của họ sẽ phải chia sẻ phần mất mát này”.

Công ty cũng có thể khai thác nguồn vốn ngoại cho hoạt động của mình. “Các tổ chức quốc tế đã bày tỏ nguyện vọng cho vay hoặc cung cấp các khoản tài trợ cho VAMC”, ông Thuỷ nói.

Công ty quản lý tài sản, được giám sát bởi NHNN, đã ra mắt từ 26/7 với số vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình kỳ vọng, công ty sẽ giải quyết đến 70.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay.

Tuy nhiên, trong một bình luận hồi tháng trước, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam ông Deepak Mishra nhận định, với số vốn điều lệ “rất nhỏ” của VAMC, sự thiếu độc lập và kế hoạch thu hồi nợ theo giá trị sổ sách là “thông lệ không tốt”.

NHNN trong tháng 7 đã cắt giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) từ 6% xuống còn 5,5% và yêu cầu các ngân hàng phải đẩy nhanh tiến độ cho vay nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cả năm. Đến 25/7, tăng trưởng tín dụng so với cuối năm 2012 mới chỉ đạt 5,02%.

Cuối tuần trước, NHNN cho biết sẽ chỉ đạo các ngân hàng có tài chính tốt mua cổ phần các ngân hàng yếu kém. 

“Tôi tin rằng VAMC sẽ đáp ứng được kỳ vọng trong việc giúp giải quyết nợ xấu”, ông Thuỷ nói. “Việc xử lý nợ xấu là không hề dễ chút nào. Với quyết tâm của Chính phủ và NHNN cũng như nỗ lực hết sức của VAMC, chúng tôi chắc chắn sẽ tạo ra những bước chuyển biến tích cực và thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài”.

Nợ Vinashin

Ông Nguyễn Hữu Thuỷ cho biết, VAMC sẽ “ưu tiên” mua nợ từ những ngân hàng có mức nợ xấu cao nhất với những khoản thế chấp là bất động sản. Khi được hỏi liệu đây có phải là những khoản cho vay bất động sản hay không, là nợ của các DNNN hay của các đối tượng khác, ông Thuỷ trả lời, có nhiều loại. Phần lớn các khoản nợ xấu của Việt Nam đều bằng nội tệ. 

Theo ước tính của NHNN, tính đến cuối năm ngoái, nợ xấu chiếm khoảng 7,8% tổng dư nợ. Còn theo Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, cùng thời kỳ trên, khoảng 35% các khoản cho vay bất động sản là nợ xấu. Số liệu của NHNN cho thấy, tại thời điểm 31/3/2013, các khoản nợ cho vay bất động sản của cả nước vào khoảng 230.000 tỷ đồng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, các DNNN chiếm khoảng 53% nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) gần như đã bên bờ phá sản trong năm 2010 do đầu tư tràn lan và quản lý yếu kém về dòng tiền và kiểm soát nợ. Thời gian đó, Chính phủ ước tính, nợ của Vinashin lên tới khoảng 4 tỷ USD.

Theo quy định, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ phải bán nợ xấu cho VAMC.

Ông Thuỷ cho biết, VAMC sẽ mua nợ của các ngân hàng theo giá trị sổ sách và bán theo giá trị thị trường trong năm nay. Cuối năm, VAMC dự kiến sẽ đề xuất NHNN cho phép mua nợ xấu theo giá thị trường sau năm 2013.

Cũng theo ông Thuỷ, VAMC  đã có những thảo luận ban đầu với các tổ chức quốc tế và có những khách hàng đã bày tỏ sự quan tâm trong việc mua lại các khoản nợ xấu của Việt Nam, đồng thời muốn khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua tài sản.

Thị trường sẽ chào đón

Chính phủ đang nỗ lực xử lý gần 5 tỷ USD nợ xấu tại các ngân hàng, vực dậy nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng chậm nhất 7 năm trong 2012. 

Trong quá trình xử lý nợ xấu, Việt Nam đang tiếp cận mô hình đã được các nước láng giềng từ Malaysia cho đến Trung Quốc thử nghiệm trước đó: thành lập một tổ chức để mua nợ từ các ngân hàng, lấy lại niềm tin giới đầu tư.

“Đây là một bước phát triển rất mới và nó đã được chờ đợi quá lâu”, Alan Pham, kinh tế trưởng của Tập đoàn VinaCapital tại TPHCM nói. “Bất cứ một hành động cụ thể nào của VAMC cũng sẽ được thị trường chào đón. Việc mua nợ là một bước tiến trên con đường xử lý nợ xấu còn rất dài”.

Cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết lớn nhất đã diễn biến dưới mức bình quân chung của thị trường trong năm nay. 3/5 mã cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết trên sàn TPHCM (HSX) đã giảm giá trong năm 2013.

Cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) – mã có vốn hoá lớn nhất trong số các ngân hàng niêm yết mặc dù tăng giá 0,7% song lại rất khiêm tốn so với mức tăng trưởng 20% của VN-Index.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/8, chỉ số VN-Index tăng 0,6%, VND tăng 0,1% lên 21.095 VND/USD.

Bích Diệp
Theo Bloomberg