VAMC chỉ bán được chưa đầy 1% nợ xấu đã mua
(Dân trí) - Trong số hơn 96.455 tỷ đồng nợ xấu mà VAMC đã mua của các tổ chức tín dụng trong nước năm 2014, số bán được chỉ đạt 627 tỷ đồng, đạt chưa đầy 1%. Báo cáo kiểm toán, quyết toán chuyên đề tài chính ngân hàng của Kiểm toán Nhà nước.
Báo cáo về hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng năm 2014 cho hay, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng mới chỉ bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhưng xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả. Số nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt lớn, trong khi cơ chế bán theo thị trường chưa có khiến nợ xấu đang là gánh nặng của nền kinh tế.
Theo KTNN thống kê, năm 2014 trong số hơn 96.455 tỷ đồng nợ xấu được mua vào, VAMC mới bán được hơn 627 tỷ đồng, tương ứng khoảng 0,6% tổng vốn.
Về hoạt động và sức khỏe của hệ thống ngân hàng thương mại, KTNN cho hay, hết tháng 12/2014, tổng nợ xấu toàn hệ thống là 145.000 tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng so với năm 2013, chiếm 3,25% tổng dư nợ. Riêng tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cao và tăng nhanh với 11,95%, tăng 68% so với năm 2013.
Các tổ chức tín dụng phân loại nợ chưa phù hợp, trong đó chủ yếu là các ngân hàng lớn, ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm dư nợ nhóm I là 379 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm II là 187 tỷ đồng và nhóm 3 là 133 tỷ đồng... Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Vietcombank giảm dư nợ nhóm 1 là 142 tỷ đồng và tăng dư nợ nhóm 2 là 144 tỷ đồng. Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) giảm dư nợ nhóm 1 là 142 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2 là 106 tỷ đồng...
Theo KTNN, ngoài vấn đề nợ xấu của một số ngân hàng vẫn ở mức cao, hoạt động công ty con của các ngân hàng thương mại trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán cũng có tỷ lệ nợ khó đòi cao, rủi ro mất vốn lớn. Trong đó có nhiều DN thuộc các ngân hàng lớn như Tổng Công ty CPCK Bảo hiểm Ngân hàng BIDV - BIC có tỷ lệ nợ khó thu, khó đòi/tổng nợ phải thu bảo hiểm gốc là 21/9%. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu chiếm hơn 26,5%.
Trên thực tế, việc xử lý nợ xấu trong các hệ thống ngân hàng thời gian qua, nhiều chuyên gia khẳng định VAMC hay DATC (Công ty mua bán nợ Việt Nam) vẫn chỉ là hình thức định giá, gom mua, chứ chưa xử lý được. Trong kế hoạch năm 2016, VAMC sẽ mua vào tiếp hơn 30.000 tỷ đồng nợ xấu, 6 tháng đầu năm 2016, theo báo cáo của VAMC, số nợ xấu tổ chức này mua vào cũng trên 11.000 tỷ đồng. Năm 2015, tổng nợ xấu VAMC thu mua là hơn 12.000 tỷ đồng... Như vậy, số nợ xấu mua vào của VAMC đang rất lớn, trong khi đó số bán ra rất nhỏ.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, tính từ 1/10/2013 đến 18/6/2016, đơn vị này đã mua được 24.618 khoản nợ tại 41 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ gốc 247.448 tỷ đồng, giá mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt là 211.993 tỷ đồng. Hầu hết khoản nợ xấu VAMC đã mua đều có tài sản đảm bảo (TSĐB) là BĐS hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, gồm cả BĐS, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia tài chính, thậm chí ngay cả trên diễn đàn Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội cũng lo ngại về cơ chế giải quyết nợ xấu như hiện nay bởi chúng ta chưa có cơ chế xử lý nợ xấu, trong đó bán tài sản nợ xấu cho nước ngoài ở lĩnh vực như dự án BĐS hay chứng khoán. Việc "bắt" và "nhốt" nợ xấu như mô hình của cả VAMC và DATC như hiện nay, theo Đại biểu Huỳnh Nghĩa, đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng mới chỉ “xích” lại mà chưa giải quyết được theo cơ chế thị trường và đánh giá nhu cầu của nhà đầu tư. Do đó, cơ chế xử lý nợ xấu nhìn qua có vẻ ổn định nhưng thiếu cơ chế bán, xử lý khiến nợ xấu đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Nguyễn Tuyền