Vải thiều Hải Dương lần đầu lên sàn thương mại điện tử
(Dân trí) - Năm nay là năm đầu tiên vải thiều Thanh Hà được bán trên 5 sàn thương mại điện tử lớn.
Sáng nay (18/5), tỉnh Hải Dương tổ chức lễ mở vườn đưa vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Singapore,… đồng thời tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương năm 2021.
Thời điểm này, nông dân trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch vải sớm. Hiện, vải tại vườn được doanh nghiệp thu mua với giá 60.000 - 80.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi.
Bà Ngô Thị Thu Hồng, Giám đốc một công ty thu mua vải thiều tại Thanh Hà (Hải Dương), cho biết, các đối tác Nhật Bản đã sẵn sàng chờ đón các lô hàng vải thiều từ Việt Nam.
"Năm 2020, lần đầu tiên vải thiều Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và được đánh giá cao về chất lượng so với các đối thủ khác. Năm nay, chúng tôi hy vọng sản lượng xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản sẽ tăng so với năm ngoái và vẫn giữ mức giá cao như năm đầu tiên vải thiều sang Nhật Bản" - bà Hồng cho biết.
Cũng theo bà Hồng, trong tuần này, công ty của bà sẽ có chuyến hàng vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. "Khách hàng Nhật Bản đang rất háo hức đón chờ vải thiều Việt Nam vì so với sản phẩm của nước khác, vải thiều Việt Nam được đánh giá cao nhất về chất lượng. Để đảm bảo chất lượng vùng vải nguyên liệu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã để đảm bảo nông dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật Nhật Bản đã khuyến cáo, tạo ra trái vải đạt tiêu chuẩn chất lượng", bà Hồng nói thêm.
Năm nay cũng là năm đầu tiên vải thiều Thanh Hà được bán trên 5 sàn thương mại điện tử lớn.
Tương tự, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc một công ty chuyên thu mua cung cấp vải thiều cho các sàn thương mại điện tử, cho biết, sau vài ngày đưa vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử, phản hồi của khách hàng rất tốt. Công ty dự kiến sẽ thu mua khoảng 300 tấn vải thiều Thanh Hà phục vụ xuất khẩu và bán trên các sàn thương mại điện tử.
Tăng cường kết nối, tiêu thụ vải thiều
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương, năm 2021, tỉnh Hải Dương triển khai thực hiện 45 vùng trồng (500ha) tại huyện Thanh Hà (35 mã số) và thành phố Chí Linh (10 mã số), với trên 4.000 hộ nông dân tham gia, tổng sản lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản khoảng 5.000 tấn.
Nông dân trong vùng được đào tạo tập huấn, hướng dẫn quy trình phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với thị trường Nhật Bản. Nông dân được hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ cho 2 lần cuối đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cũng đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản. Ngày 14/5, một số công ty bắt đầu thu mua và xuất khẩu những chuyến vải thiều đầu tiên đi Singapore, Nhật Bản.
Đối với thị trường Mỹ, Úc, Singapore, Thái Lan, EU, toàn tỉnh Hải Dương có 45 mã số vùng trồng (đi Mỹ, Úc), 9 mã số vùng trồng xuất đi Thái Lan. Trên địa bàn có một cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Úc, một cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Mỹ được cấp mã số; một cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Thái Lan được cấp mã số, khoảng 10 cơ sở đóng gói vải tươi và cấp đông vải xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, EU,…
Để đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường nội địa và Trung Quốc, năm 2021, Sở NN&PTNT Hải Dương tiếp tục duy trì 47 mã số vùng trồng tại Thanh Hà và Chí Linh với gần 8.000ha, tổng sản lượng vải ước đạt 40.000 - 45.000 tấn. Tỉnh Hải Dương dự kiến tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước khoảng 33.000 tấn (chiếm 60%), xuất khẩu khoảng 22.000 tấn (chiếm 40%).
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, tỉnh Hải Dương luôn quan tâm chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, việc tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu là một thách thức lớn.
Theo ông Thăng, Hải Dương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số và áp dụng các phương pháp canh tác tiêu chuẩn để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc trưng.
Ấn tượng với vùng nguyên liệu vải thiều Thanh Hà tươi xanh, trù phú, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, dịch bệnh Covid-19 khiến Việt Nam phải đối diện với một thực tế biến động, phức tạp, bất định và mơ hồ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, tỉnh Hải Dương, các doanh nghiệp và người dân vẫn nỗ lực để không làm đứt gãy chuỗi cung cầu, đưa thương hiệu vải thiều Thanh Hà ra thế giới.
"Bộ NN&PTNT cũng sẽ có chương trình hành động, cùng với tỉnh Hải Dương đưa Thanh Hà trở thành vùng trọng điểm về trái vải, thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ Hải Dương xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà ở nhiều thị trường tiềm năng, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử. Dự kiến, trong tuần này sẽ có khoảng 100 tấn vải được xuất khẩu sang thị trường Nam Úc và Tây Úc.