1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

VAFI kiến nghị vào cuộc xem xét trách nhiệm cơ quan quản lý vụ cổ phiếu ROS

Mai Chi

(Dân trí) - Theo VAFI, lãnh đạo UBCKNN và HoSE có trách nhiệm trong việc cấp phép "thần tốc" cho ROS lên sàn HoSE, được cấp margin, vào rổ VN30, không cảnh báo cổ phiếu dù có các bất thường.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) ngày 29/3 có công văn gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị xem xét trách nhiệm người phụ trách Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) liên quan đến cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.

Tại văn bản này, VAFI nhắc lại tình trạng ROS được cấp phép một cách nhanh chóng niêm yết trên sàn HoSE. Mã này đã chuỗi tăng liên tục không ngừng nghỉ trong thời gian dài. Đồng thời, ROS còn nhanh chóng được đưa vào bộ chỉ số VN30 và "ngự trị" ở đây thời gian dài.

Việc ROS "làm mưa làm gió" trong thời gian niêm yết, theo VAFI, đã gây hậu quả nghiêm trọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam và gây thiệt hại đối với một bộ phận lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ. Theo đó, phía VAFI đặt câu hỏi về việc Bộ Tài chính đã kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người quản lý tại HoSE cũng như tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra sao? Với văn bản này, phía VAFI đề nghị Ủy Ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xem xét xử lý trách nhiệm của người quản lý tại HoSE giai đoạn đó. 

VAFI kiến nghị vào cuộc xem xét trách nhiệm cơ quan quản lý vụ cổ phiếu ROS - 1

Cổ phiếu ROS từng có chuỗi tăng không ngừng nghỉ suốt thời gian dài (Ảnh: ROS).

Cụ thể, VAFI đặt vấn đề, liệu FLC Faros có được ưu ái khi tốc độ xét duyệt và chấp nhận hồ sơ niêm yết nhanh "kỷ lục" trong lịch sử xét duyệt? Phía hiệp hội dẫn chứng:

- Ngày 18/7/2016, HoSE có Văn bản số 814 về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của CTCP Xây dựng Faros;

- Ngày 24/8/2016, HoSE ra Quyết định số 348 quyết định về việc niêm yết cổ phiếu ROS;

- Ngày 25/8/2016, HoSE có Thông báo số 933 thông báo ROS được chính thức giao dịch vào ngày 1/9/2016.

Như vậy, theo VAFI, FLC Faros chỉ mất hơn một tháng để được cấp phép niêm yết "thần tốc" trong khi hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả khác vẫn phải theo tiến trình chờ đợi - bổ sung hồ sơ - xét duyệt - bổ sung hồ sơ… mất nhiều tháng, nhiều năm.

Phía VAFI cũng nhắc lại việc FLC Faros tăng vốn chóng mặt trong chưa đầy 2 năm và đặt câu hỏi về việc thẩm định hồ sơ. 

Sau khi được giao dịch trên sàn HoSE vào ngày 1/9/2016, ROS tăng theo chiều thẳng đứng không ngừng nghỉ và đưa Chủ tịch FLC Faros thời bấy giờ là ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Giá trị vốn hóa của công ty đã lên tới trên 3 tỷ USD, vượt xa vốn hóa của nhiều doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng.

VAFI nhận xét, cổ phiếu ROS tăng liên tục nhưng không hề có cảnh báo của UBCKNN và HoSE. Đáng chú ý, ngày 1/3/2017, HoSE có Thông báo số 201 ra quyết định cho phép ROS được giao dịch ký quỹ. Sau khi có quyết định này, ROS dễ dàng vượt qua mốc 150.000 đồng/cổ phiếu với giá trị vốn hóa 64.500 tỷ đồng và tiếp tục đi lên đạt đỉnh 172.000 đồng/cổ phiếu với giá trị vốn hóa doanh nghiệp gần 74.000 tỷ đồng.

VAFI cho rằng, nếu người quản lý của HoSE lúc đó có trách nhiệm, thay vì ra quyết định cho phép ROS được giao dịch margin thì phải cảnh báo và không cho phép giao dịch ký quỹ.

Không những vậy, ROS còn tiếp tục được HoSE đưa vào bộ chỉ số VN30 vào ngày 24/7/2017 - đại diện cho 30 doanh nghiệp tiêu biểu trên sàn. Phải đến ngày 19/1/2021 thì ROS mới bị loại khỏi VN30 sau 3,5 năm gây tổn thất thua lỗ cho vô số nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi đó, những cổ đông lớn của ROS đã nhanh chóng chốt lời, gần như bán toàn bộ cổ phiếu thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.

Cả một tiến trình dài "làm giá" nhưng không hề có cuộc thanh tra kiểm tra nào của HoSE và UBCKNN, phía VAFI cho đó là sự ưu ái và điều này đã giúp một vài cá nhân thoải mái "bán giấy" để thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng, gây đau khổ cho hàng nghìn nhà đầu tư chứng khoán. Cuối cùng, phía hiệp hội này kiến nghị Ủy Ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xem xét. Văn bản của VAFI cũng được gửi đến Ban Nội chính Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN, HoSE…

Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo HoSE cho biết, đơn vị này chưa nhận được công văn từ VAFI nên chưa thể bình luận được gì.

Ngày 25/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01 - Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bổ sung tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự đối với ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch FLC, bà Hương Trần Kiều Dung - cựu Phó Chủ tịch thường trực FLC, 2 em gái ông Quyết: Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế.

Theo Bộ Công an, các bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung từ năm 2014 - 2016 làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Bước đầu xác định, tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ dựng tên), thu được tổng cộng trên 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.