Vắc-xin Covid-19 cũng không thể cứu nền kinh tế thế giới trong năm 2021?

Thùy Dung

(Dân trí) - Các nhà đầu tư vào vắc-xin Covid-19 để cứu nền kinh tế thế giới có lẽ phải kiềm chế tham vọng lại khi các nhà khoa học cảnh báo có thể cuộc chiến chống virus corona còn dài và ngày càng khó khăn.

Vắc-xin Covid-19 cũng không thể cứu nền kinh tế thế giới trong năm 2021? - 1

Nếu lần nhiễm virus thứ hai và thứ ba có khả năng lây nhiễm như lần đầu tiên và thế hệ vắc-xin đầu tiên không hiệu quả lắm, thì có thể Covid-19 sẽ tiếp tục là một khía cạnh chính của cuộc sống vào năm 2022

Trong khi các công ty dược phẩm đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc tìm ra vắc xin chống virus corona thì vẫn còn nhiều câu hỏi như: “Mức độ hiệu quả của đợt vắc-xin đầu tiên, làm cách nào để có thể phân phối vắc-xin cho hơn 7 tỷ người trên thế giới và sau đó có bao nhiêu người sẽ đồng ý sử dụng chúng?”

Tương lai cho tăng trưởng toàn cầu dựa vào câu trả lời cho những câu hỏi trên trong bối cảnh một làn sóng đại dịch mới rất có thể sẽ xảy đến. Điều này có nghĩa là những lo ngại về sức khỏe và các lệnh cấm hạn chế của chính phủ sẽ tiếp tục kìm hãm thương mại và cuộc sống hàng ngày của mọi người.

Chris Chapman, Giám đốc danh mục đầu tư tại Manulife Investment, công ty quản lý hơn 660 tỷ USD, cho biết: “Ngay cả khi hệ thống vắc-xin tiêm chủng chống Covid-19 thành công thì nó cũng không phải là thuốc chữa bách bệnh và vực dậy được nền kinh tế ngay tức thì”.

“Về việc nền kinh tế thế giới thực sự sẽ phục hồi trở lại giống như thời kỳ tiền Covid-19 hoặc có xu hướng tăng trưởng, có thể sẽ phải mất hơn một năm nữa. Thời gian phục hồi sẽ bị trì hoãn, nhưng vẫn có nhiều kỳ vọng về việc vắc xin điều trị Covid-19 sẽ xuất hiện vào một thời điểm nào đó trong năm tới”, Chapman nói.

Trong nhiều thập kỷ qua, nền kinh tế thế giới đều phụ thuộc vào việc bơm tiền của các ngân hàng Trung ương và các bộ trưởng tài chính để kéo nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng.

Tuy nhiên, lần này thì khác. Các nhà đầu tư đang xem xét dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm vắc xin và điều trị để tìm dấu hiệu hy vọng cũng giống như họ đang chăm chú vào các kế hoạch kích thích kinh tế sắp ra mắt của Washington, Bắc Kinh hoặc châu Âu.

Cuộc săn lùng một loại vắc-xin hiệu quả càng kéo dài thì nền kinh tế thế giới sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Neil Ferguson, nhà dịch tễ học tại Đại học Imperial College London, và cựu cố vấn của Covid-19 cho chính phủ Anh cho biết: “Có một triển vọng hợp lý rằng vào cuối mùa xuân năm tới, vắc xin sẽ có sẵn với số lượng đủ để bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Nhưng ít nhất cho đến lúc đó, chính phủ các nước vẫn sẽ phải cân bằng cuộc sống và nền kinh tế giữa việc mở cửa lại xã hội và kiểm soát virus.”

Những thất bại trong khoa học cũng có thể sẽ làm chậm lại mọi thứ.

Nhà sản xuất thuốc Johnson & Johnson hiện đã tạm dừng các thử nghiệm lâm sàng về mũi tiêm Covid-19 trong tháng này sau khi một người tham gia thử nghiệm bị ốm. Trước đó, AstraZeneca Plc và Đại học Oxford cũng đã dừng các nghiên cứu vì lý do tương tự. Vào thứ 6 vừa qua, cả hai công ty đã công bố kế hoạch tiếp tục các cuộc thử nghiệm tại Mỹ.

Ngoài ra, còn có nhiều phương pháp thử nghiệm khác cho thấy cả sự thất bại và thành công của nó.

Kết quả thử nghiệm đáng thất vọng trong tháng này chính là loại thuốc remdesivir được ca ngợi nhiều từ Gilead Sciences Inc.. Nó cho thấy phương pháp điều trị kháng virus không cứu được mạng sống của bệnh nhân Covid-19, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tán dương những lợi ích của nó. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý của Mỹ đã cho phép sử dụng loại thuốc này trong tuần này và Gilead đã thách thức những phát hiện gần đây với những kết quả tích cực khác.

Trong khi có những dấu hiệu hy vọng từ một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đang được thử nghiệm, steroid dexamethasone là một trong những liệu pháp điều trị duy nhất khác cho thấy những lợi ích có ý nghĩa và nhằm vào những người có các triệu chứng rất nặng.

Tuy nhiên, ngay cả khi một loại vắc-xin hiệu quả được phát minh ra thì việc phân phối hậu cần vẫn là một vấn đề lớn. Chỉ một nhóm nhỏ dân số dự kiến sẽ được tiêm vắc-xin trong đợt vắc-xin đầu tiên.

Tất cả điều đó đều gây rắc rối cho tăng trưởng toàn cầu, ngay cả khi dữ liệu ở Mỹ và khu vực đồng euro cho thấy nền kinh tế đang phục hồi khả quan.

Từ lâu, người ta đã nói về sự phục hồi hình chữ V của nền kinh tế thế giới, nhưng khi mùa đông đến gần ở trên thế giới thì sẽ kéo theo các nguy cơ khiến Covid-19 lây lan dễ dàng hơn. Các thước đo của Bloomberg Economics đã chỉ ra sự suy yếu trong hoạt động kinh tế ở nhiều quốc gia công nghiệp trong tháng 10, đặc biệt là các quốc gia ở châu Âu.

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Alan Greenspan nói rằng: “Những dự báo về sự bùng phát của Covid-19 đều rất bấp bênh. Với tình hình hiện tại, đợt bùng phát tiếp theo cũng rất có thể sẽ quay trở lại vào một thời điểm nào đó”.

Ông cho rằng, đại dịch Covid-19 đã để lại những "vết sẹo" lớn cho nền kinh tế thế giới. Những "vết sẹo" đó chính là: mất việc làm, các khoản nợ kỷ lục, các doanh nghiệp phá sản, suy giảm kỹ năng, bỏ lỡ cơ hội đầu tư, hủy hợp đồng, sức khỏe tinh thần suy nhược và bất bình đẳng gia tăng.

Một nghiên cứu gần đây đã tuyên bố chỉ riêng nền kinh tế Mỹ sẽ phải gánh chịu ​​“những tác động bất lợi lớn, dai dẳng” trong dài hạn nhiều hơn là những tác động ngắn hạn bởi một phần vì Covid-19 mang đến sự bất an lớn hơn trong công chúng.

Nhà kinh tế trưởng Carmen Reinhart của Ngân hàng Thế giới nói với Bloomberg: “Đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính mà nó đang chuyển thành một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, với những hậu quả tài chính rất nghiêm trọng. Và chúng ta vẫn còn một con đường dài phía trước".

Ngay cả ở những nơi trên thế giới đã được ngăn chặn phần lớn sự lây lan của Covid-19 thì người tiêu dùng vẫn luôn chi tiêu một cách rất thận trọng. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu tăng tốc mặc dù các lệnh giãn cách xã hội hầu như đã được dỡ bỏ từ nhiều tháng trước.

Và có thêm cả những nghi vấn về việc tái nhiễm Covid-19. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, một người có thể nhiễm Covid-19 nhiều lần, đã có một số trường hợp được xác nhận trên toàn cầu. Đây là một trở ngại khác mà vắc-xin chỉ có thể giải quyết được một phần.

Cảnh báo của Graham Medley, một giáo sư về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, đồng thời là thành viên của ban cố vấn Covid-19 của chính phủ Vương quốc Anh cho rằng: “Có khả năng cao virus corona, cũng như cúm, có thể sẽ buộc mọi người phải tiêm phòng thường xuyên để ngăn chặn nó, có nghĩa là virus có thể tạo ra một vòng cung dài hơn dự kiến”.

“Nếu lần nhiễm virus thứ hai và thứ ba có khả năng lây nhiễm như lần đầu tiên và thế hệ vắc-xin đầu tiên không hiệu quả lắm, thì có thể Covid-19 sẽ tiếp tục là một khía cạnh chính của cuộc sống vào năm 2022”.