Sự khác nhau của nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc khi đối phó với đại dịch
(Dân trí) - Mỹ và Trung Quốc đã đối phó với sự lây lan của đại dịch Covid-19 theo những cách rất khác nhau. Chính sự khác biệt đó đã định hình lại cuộc chiến toàn cầu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Khoảng 11 tháng sau đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Vũ Hán, những con số chính thức về tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc vừa đưa ra cho thấy nền kinh tế nước này vẫn đang tăng trưởng, quý 3 tăng 4,9% so với một năm trước đó. Điều này còn cho thấy người Trung Quốc đã tự tin rằng virus đã được kiểm soát, họ có thể đi mua sắm, ăn tối và chi tiêu theo sở thích.
Trung Quốc đã công bố tổng số người chết do đại dịch là dưới 5.000 người và các ca nhiễm mới là không đáng kể. Đây là kết quả của việc thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt, cùng với hàng triệu cuộc xét nghiệm và truy tìm nguồn gốc sau mỗi ca lây nhiễm. Chính những điều đó đã tạo tiền đề cho sự hồi phục kinh tế.
“Thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn virus đã cho phép nền kinh tế nước này hồi phục nhanh hơn với sự hỗ trợ chính sách ít hơn so với các nền kinh tế lớn khác” - cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Stephanie Segal, một thành viên cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Dự báo tăng trưởng toàn cầu, GDP thực tế
Ở Mỹ, có đến 221.000 người chết vì Covid-19. Chính quyền Liên bang Mỹ được cho là đã phản ứng có phần chậm trễ.
Trong khi đó, các đảng phái thì tranh luận về việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Một số sự kiện cộng đồng cũng không tuân thủ các nguyên tắc y tế. Những điều này khiến Mỹ đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới.
Các tụ điểm giải trí, nhà hàng và các điểm du lịch vẫn đóng cửa hoặc chỉ mở cửa một phần. Hàng triệu người bị thất nghiệp vô thời hạn. GDP được dự báo sẽ tăng trưởng âm trong quý này, Mỹ có thể phải đối mặt với sự sụt giảm kinh tế trong những năm tới.
“Rõ ràng chính phủ Mỹ đã làm hỏng nó” - ông Harry Broadman, cựu quan chức cấp cao về thương mại của Mỹ và hiện làm giám đốc điều hành của Hãng nghiên cứu Berkeley nói.
Theo ông Broadman, cơ quan quyền lực duy nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giúp Bắc Kinh thực thi truy tìm dấu vết các ca lây nhiễm và thực hiện cách ly xã hội. Các nước khác như New Zealand, Hàn Quốc cũng đánh bại virus theo như cách Trung Quốc đã làm.
Sự khác nhau thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc là Washington mải mê tranh cãi về các gói kích thích, trong khi nó vẫn quá ít và quá muộn. “Điều đó đã tạo ra ngày càng nhiều sự không chắc chắc trong các lĩnh vực kinh doanh” - ông Broadman nói.
Trước chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Trump đã đổ lỗi cho Trung Quốc về sự lây lan của virus và khẳng định chính quyền của ông sẽ làm mọi thứ để kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn tại toà thị chính được phát sóng trên đài Sinclair Broadcast Group hôm thứ 4 rằng liệu ông có làm khác đi không, ông Trump trả lời: “Không, không nhiều”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Brian Morgenstern cho biết, ông Trump đang xây dựng lại một nền kinh tế mạnh mẽ và bao trùm với sự xuất hiện của các phương pháp điều trị và vắc xin mới trong một khoảng thời gian mà người phát ngôn này gọi là kỷ lục.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã công bố dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phục hồi từ nhẹ đến khiêm tốn, mặc dù bức tranh giữa các ngành rất khác nhau.
Hiệu ứng gợn sóng
Các chuyên gia viện dẫn những lo ngại dài hạn đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả mức nợ cao của các doanh nghiệp nhà nước.
“Việc phụ thuộc vào tăng trưởng được thúc đẩy bởi đầu tư và mở rộng tín dụng càng làm gia tăng thêm rủi ro đối với một hệ thống tài chính vốn đã yếu kém của nước này, đồng thời sẽ làm giảm hiệu quả và tốc độ tăng trưởng bền vững” - ông Mark Sobel, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói.
Nhưng hiện tại, theo các chuyên gia, các phản ứng khác nhau đối với virus này sẽ có tác động đến sự cạnh tranh kinh tế và chính trị gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington với những gợn sóng trên khắp thế giới.
“Kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 sẽ lớn hơn 10% so với năm 2019 và mọi nền kinh tế lớn khác sẽ nhỏ đi” - Nicholas Lardt, một chuyên gia kinh tế của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.
Lardy dự đoán: Điều đó có nghĩa là "vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục mở rộng" khiến bất kỳ nỗ lực nào của các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhằm ngăn cản các quốc gia khác làm ăn với Bắc Kinh, hay nói cách khác là “tách” Trung Quốc khỏi nền kinh tế toàn cầu, sẽ khó khăn hơn.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh hơn dự đoán do nhu cầu về các loại hàng hoá y tế từ nước ngoài. Trong khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán khối lượng thương mại toàn cầu sẽ giảm 10,4% trong năm 2020 thì thị phần tổng thể trong thương mại toàn cầu của Trung Quốc lại tăng lên.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn thu được những lợi ích khác. “Chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu thành công của Trung Quốc về tỷ giá hối đoái và thị trường chứng khoán trong bối cảnh nhiều nền kinh tế khác đang chịu áp lực” - Segal nói.