Nền kinh tế châu Âu có nguy cơ suy thoái kép, chuẩn bị vay nợ “khủng”

Hương Vũ

(Dân trí) - Châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai, và nhiều khả năng khu vực này sẽ lại một lần nữa bị hủy hoại về kinh tế.

Nền kinh tế châu Âu có nguy cơ suy thoái kép, chuẩn bị vay nợ “khủng” - 1

Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận về gói kích thích tài khóa lớn chưa từng có, lên tới 750 tỷ Euro (khoảng 860 tỷ USD) sau những giờ phút tưởng chừng đổ vỡ. Ảnh: Getty

Theo CNBC, GDP khu vực đồng Euro đã giảm 11,8% trong quý II, do khu vực này buộc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn virus lây lan.

Các nhà kinh tế học từng dự báo Eurozone sẽ hồi phục trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã làm lung lay mức triển vọng này dữ dội. Rất nhiều chính phủ đã thông báo lệnh phong tỏa mới, hoặc giảm tốc mở cửa lại nền kinh tế, do số ca lây nhiễm tăng mạnh.

“Khả năng suy thoái kép (ví dụ như GDP sẽ giảm trong quý IV) đang tăng cao”, ông Carsten Brzeski - kinh tế trưởng tại ING chia sẻ với CNBC. Theo ông, dự báo trong vài tuần tới, sẽ có thêm nhiều khu vực bị siết phong tỏa, ngoài thành phố Madrid, Tây Ban Nha và thành phố Lyon nước Pháp.

Theo thông báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Âu hôm 22/9, cho biết 2,9 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận tại châu Âu. Hiện, mỗi ngày, có trên 10.000 ca mắc mới tại Tây Ban Nha và Pháp.

Chính vì vậy, theo Chris Williamson - kinh tế trưởng tại IHS Markit cảnh báo trên CNBC rằng: “Rủi ro suy thoái kép rất lớn” trong quý IV.

Số liệu công bố cho thấy đà phục hồi tại Eurozone đã chững lại trong tháng 9. Chỉ số PMI tổng hợp (theo dõi cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất) chỉ đứng tại 50,1 - thấp nhất 3 tháng. PMI trên 50 cho thấy có sự tăng trưởng và ngược lại.

“Bước sang quý IV, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều lệnh hạn chế và chúng sẽ thực sự kìm hãm tăng trưởng”, Williamson cho biết.

Hồi quý II, GDP Eurozone giảm 11,8% - thấp nhất kể từ năm 1995. Các nền kinh tế lớn nhất của khối đều giảm ở mức hai chữ số. GDP Đức giảm 10,1%; Italy giảm 12,4%; Pháp giảm 13,8%; và Tây Ban Nha giảm 18,5%.

Theo Reuters, nền kinh tế Đức đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1970. Chính phủ Đức đã buộc phải khởi động các chương trình hỗ trợ quy mô lớn nhằm trợ cấp cho các công ty với cam kết “có đi có lại” để duy trì việc làm người dân.

Nền kinh tế châu Âu có nguy cơ suy thoái kép, chuẩn bị vay nợ “khủng” - 2
Cảnh vắng vẻ tại Rome, Italy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng. Ảnh: Getty

Theo thông tin trích dẫn từ Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho hay, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức sẽ từ bỏ chính sách “số 0 đen” và dự định vay khoản tiền kỷ lục trong năm tới.

Theo đó, vào năm 2021, Berlin có kế hoạch vay 100 tỷ Euro để chống lại hậu quả của đại dịch Covid-19. Do đó, các dự định phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 80 tỷ Euro trước đây đã được tăng thêm một phần tư.

Mối lo cú sốc kinh tế nặng hơn gây ra bởi việc siết phong tỏa đã khiến chứng khoán châu Âu bị bán tháo trong tuần này. “Đại dịch đe dọa đà phục hồi hình chữ V, sau khi hoạt động kinh tế chạm đáy hồi tháng 3-4”, Holger Schmieding - kinh tế trưởng tại Berenberg cho biết.

Không chỉ riêng những nước lớn trên, nền kinh tế Anh cũng đang trong tình trạng nguy cấp khi Chính phủ nước này hôm 22/9 đã thông báo các quán bar và nhà hàng cần đóng cửa sớm. Mọi người cũng nên làm ở nhà nếu có thể, thay vì đến văn phòng.

Cathal Kennedy - kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại RBC - cho biết, các biện pháp hạn chế mới “sẽ một lần nữa ảnh hưởng chủ yếu đến ngành dịch vụ” và sẽ khiến hoạt động kinh tế chậm lại trong những tháng tới.

Theo số liệu công bố hôm qua, PMI tổng hợp của Anh đạt 55,7 trong tháng 9. Đây là mức thấp nhất 3 tháng, cho thấy quá trình phục hồi kinh tế tại đây bắt đầu mất đà.

Các cố vấn khoa học tại Anh cho biết đến giữa tháng 10, nước này có thể ghi nhận 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. “Tốc độ lây nhiễm tăng sẽ kìm hãm đà hồi phục của ngành dịch vụ, cho thấy con đường phía trước với Anh sẽ rất khó khăn”, Ambrose Crofton - chiến lược gia thị trường tại JPMorgan Asset Management nhận xét.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tổng thiệt hại đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ lên tới 7 nghìn tỉ USD vào cuối năm 2021 do đại dịch Covid-19 gây ra. Tổ chức này cho rằng GDP thế giới giảm 4,5% trong năm nay chứ không phải 6% như dự đoán trước đó. Đồng thời, OECD nhận định, nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2021.

Tuy nhiên, trong trường hợp đại dịch Covid-19 tái bùng phát khiến chính phủ các nước buộc phải tái áp đặt các lệnh hạn chế, tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021 có thể sụt giảm 2-3% so với mức dự báo. Cũng theo OECD, triển vọng tươi sáng về tăng trưởng kinh tế cũng sẽ không đồng đều trong các nền kinh tế lớn.