Cổ phiếu rẻ vẫn có thể rẻ hơn, thấp thỏm không yên vì cú lao dốc cuối phiên

Mai Chi

(Dân trí) - Thêm một phiên giảm mạnh của VN-Index, chỉ số đánh rơi gần 15 điểm với thanh khoản suy kiệt. Giới đầu tư cầm cổ phiếu như ngồi trên đống lửa vì nhiều mã đóng cửa ở mức giá thấp nhất phiên.

Sự hồi phục đầu phiên hôm nay (5/10) của thị trường rõ ràng đã không đủ sức thuyết phục với nhà đầu tư và khiến dòng tiền trở nên e dè, thận trọng. Chỉ sau nửa phiên sáng, VN-Index lập tức đảo chiều giảm điểm.

Cổ phiếu rẻ vẫn có thể rẻ hơn, thấp thỏm không yên vì cú lao dốc cuối phiên - 1

VN-Index và VN30-Index lao dốc mạnh trong phiên chiều (Nguồn: VDSC).

Biên độ giảm không ngừng nới rộng trong phiên chiều. Kết quả, chỉ số đại diện sàn HoSE đóng cửa tại mức thấp nhất phiên, đánh rơi 14,78 điểm tương ứng 1,31% còn 1.113,89 điểm. HNX-Index tương tự mất 2,19 điểm tương ứng 0,95%; UPCoM-Index giảm 0,68 điểm tương ứng 0,77%.

Việc chỉ số lịm dần có nguyên nhân lớn từ sự mất hút của thanh khoản. Toàn sàn HoSE trong phiên này chỉ có 609 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch đạt 13.036 tỷ đồng. HNX có 68 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.364 tỷ đồng.

Cổ phiếu rẻ vẫn có thể rẻ hơn, thấp thỏm không yên vì cú lao dốc cuối phiên - 2

Thanh khoản thị trường suy giảm mạnh trong phiên 5/10 (Nguồn: VNDS).

Sắc đỏ bao phủ thị trường với 633 mã giảm giá, trong đó có 23 mã giảm sàn so với 285 mã tăng. Riêng sàn HoSE, số mã giảm lên tới 386 mã, gấp gần 4 lần số mã tăng.

Việc VCB giảm 2,1% đã khiến VN-Index bị thiệt hại 2,55 điểm, trong khi đó, các mã khác như BID, CTG, VNM, MWG… càng khiến VN-Index bị tác động tiêu cực hơn.

Trong rổ VN30, PLX giảm mạnh nhất, đánh mất 5,1% và đóng cửa tại mức thấp nhất phiên là 34.400 đồng dù có thời điểm mã này tăng lên mức giá 36.300 đồng.

MWG tương tự giảm 4,5%, kết phiên tại mức giá thấp nhất là 47.000 đồng sau khi tăng lên 49.900 đồng. POW giảm 3,1%; CTG giảm 2,8%; VNM giảm 2,3%; BID giảm 2,1%; VIB giảm 2,1%. Tổng cộng có 27 mã VN30 giảm giá, chỉ có 2 mã tăng là SSB và GVR; ACB đứng tham chiếu.

Bên cạnh ngành ngân hàng thì cổ phiếu dịch vụ tài chính cũng giảm sâu. Đây là những nhóm ngành có tính thị trường và rất "nhạy". VIX giảm 6,3%, áp sát mức giá sàn; ORS giảm 6,2%; VCI giảm 5%; CTS giảm 4,9%; AGR giảm 4,2%; VND giảm 3,9%; BSI giảm 3,8%; APG giảm 3,3%; FTS giảm 2,8%.

Cổ phiếu rẻ vẫn có thể rẻ hơn, thấp thỏm không yên vì cú lao dốc cuối phiên - 3

10 cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh nhất đã khiến VN-Index thiệt hại 9,28 điểm (Nguồn: VNDS).

Nhiều cổ phiếu ngành bất động sản bị bán rất mạnh. Cả sàn HoSE hôm nay có 10 mã giảm sàn thì 4 trong số đó thuộc ngành bất động sản: NBB, PTL, DIG, DXG. Trong đó, trước khi đóng cửa với trạng thái giảm sàn thì PTL, DIG và DXG có lúc đã tăng giá. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ nặng hơn 7% tại những mã này.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bất động sản cũng có mức giảm mạnh cuối phiên sau khi tăng giá đã trở thành "niềm đau" với nhà đầu tư, như: QCG giảm 6,4%; VPH giảm 5,9%; NVL giảm 5,5%; TDC giảm 4,7%; DXS giảm 4,5%; HTN giảm 4,3%; DRH giảm 3,9%; PDR giảm 3,4%.

Ở chiều ngược lại, TIP tăng trần; TN1 tăng 5,3%; FIR tăng 3,4%; SZC tăng 2,3%; LHG tăng 2,2%. Tuy vậy, thanh khoản tại những mã này rất khiêm tốn.

Tại nhóm xây dựng và vật liệu, trong khi DC4 giảm sàn; NHA giảm 4,8%; TCD giảm 4,1%; CII giảm 3,5%; THI giảm 2,7% thì HUB và HVX lại tăng trần; VGC tăng 5,9%; DXV tăng 4,6%; CTD tăng 4,2%; HT1 tăng 2,6%; VCG tăng 0,6%.

Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai có một phiên giao dịch thuận lợi khi tăng giá mạnh 4,9% với thanh khoản tốt, đạt 17,6 triệu đơn vị. Mã này cũng nằm trong top cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số VN-Index.

Sau khi mua ròng trong phiên hôm qua, đến hôm nay cả khối ngoại lẫn tự doanh các công ty chứng khoán đều bán ròng. Trong đó, khối ngoại bán ròng 721 tỷ đồng còn khối tự doanh bán ròng hơn 44 tỷ đồng.

Nhìn chung, với nền thanh khoản yếu và VN-Index giảm mạnh cuối phiên, nhiều cổ phiếu đóng cửa ở mức thấp nhất đang cho thấy áp lực bán hiện hữu. Tình trạng này sẽ tạo thách thức lớn cho thị trường trong phiên cuối tuần, đồng thời, khiến không ít nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu phải thấp thỏm, lo lắng.