1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Ưu tiên" quyền con người để xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững

(Dân trí) - Trong các Chỉ số phát triển bền vững doanh nghiệp (DN) Việt Nam năm 2017 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra đánh giá sáng nay (18/4), nhiều tiêu chí về lao động, quyền con người được đề cao để xác định và minh chứng DN phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế.

Theo TS Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI, bộ Chỉ số DN bền vững (CSI) năm 2017 đã tích hợp nhiều tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD; các tiêu chí kiểm toán của PWC, Ernst & Young và KPMG hay các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chuẩn quốc tế về lập báo cáo phát triển bền vững của thế giới (GRI Standards) để sàng lọc, đánh giá phân cấp DN Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Vinh lưu ý: Phát triển bền vững trong DN Việt vẫn chỉ nằm ở những định nghĩa chung chung về môi trường, quản trị năng lượng, giảm phát thải ra môi trường hay tăng trưởng dựa vào yếu tố năng lực con người, đổi mới sáng tạo... Tuy nhiên, số DN Việt thực hiện được cả quá trình, đáp ứng các tiêu chí chuẩn quốc tế về CSI chưa nhiều. Có DN quá chú trọng vào lợi ích kinh tế mà bỏ qua, phớt lờ thậm chí hủy hoại môi trường, đây là điều các nước EU, Mỹ không chấp nhận để kết nối chuỗi sản xuất hoặc thừa nhận mở cửa thị trường hàng hoá.

Đại diện của VCCI cũng cho biết, khá nhiều DN lớn, DN ngoại tưởng rằng họ có kỹ năng quản trị tốt, hướng và tầm nhìn xa hơn; đến từ các nước có trình độ phát triển hơn thì sẽ đi dầu, dẫn dắt cộng đồng DN Việt những cách thức, kỹ năng phát triển bền vững.

Tuy nhiên, khá nhiều DN lớn trong nước, những DN tỷ USD của nước ngoài vẫn vi phạm nghiêm trọng vấn đề môi trường, gây tác hại nghiêm trọng về nguồn nước, khí, rác thải, hệ sinh thái của cộng đồng con người, động thực vật nói chung. Đơn cử như Formosa xả thải phá hủy môi trường các tỉnh từ Hà Tĩnh đổ vào Đà Nẵng; Nhà máy Vedan xả thải nhuộm độc sông Thị Vải (Đồng Nai); nhiều đại gia địa ốc lớn đang quây các khu bãi biển đẹp của Việt Nam để dựng các khu nghỉ dưỡng, khu đô thị ven biển. Nhiều danh thắng tự nhiên đang được xây dựng bằng cáp treo, phá vỡ cấu trúc tự nhiên và vẻ đẹp hoang sơ vốn có.

Theo ông Phạm Hoàng Hải, Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Từ năm 2017, các tiêu chí của CSI sẽ chặt chẽ hơn để đánh giá đúng DN đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững. Bộ tiêu chí dành riêng cho các DN Việt khá dễ để sử dụng và có thể áp dụng được trong tất cả các DN thuộc mọi ngành nghề và quy mô khác nhau.

Ba tiêu chí đánh giá quan trọng nhất là kinh tế, xã hội và môi trường sẽ được thể hiện ở 151 chỉ số đánh giá dành cho các DN. Trong đó, nhóm chỉ tiêu kinh tế được gói gọn trong 19 chỉ số, chỉ tiêu môi trường 18 chỉ số, nhóm chỉ tiêu về con người, lao động và tác động xã hội được đưa lên 92 chỉ số đánh giá.

Đáng lưu ý, ngoài các chỉ số về quản trị DN bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế và hoạt động kinh tế hài hòa với môi trường tự nhiên. CSI 2017 của VCCI nhấn mạnh vào các tiêu chí về quyền con người, lao động tại DN để xác định DN phát triển bền vững. Các yếu tố như thời gian làm việc, nghỉ ngơi; an toàn vệ sinh lao động trong DN; chăm sóc sức khoẻ, các phúc lợi liên quan; đảm bảo dân chủ tại nơi làm việc; thời gian nghỉ cho phụ nữ có con nhỏ...

Theo ông Hải: Những vấn đề cụ thể liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, quyền con người được pháp luật bảo vệ, công nhận được xác định là tiêu chí ưu tiên để xác định DN đủ tiêu chí phát triển bền vững. Đây cũng là hướng đi của các nước phát triển ở châu Âu khi đánh giá, công nhận DN phát triển bền vững.

Từ năm 2015 cho đến nay, các chỉ số DN phát triển bền vững được nhắc đến nhiều, cùng với các chỉ số tăng trưởng xanh, tăng trưởng theo chiều sâu. DN được chứng nhận Phát triển bền vững theo các tiêu chí của EU hoặc các nước phát triển công nhận sẽ nhận được một số ưu đãi khi tiếp cận thị trường nhập khẩu của các nước. Bên cạnh đó, tiêu chí DN phát triển bền vững còn đảm bảo DN có tỷ suất lợi nhuận bền vững hơn, trong khi chi phí bỏ ra ít hơn. Trong thời đại bùng nổ thông tin, DN đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển bền vững sẽ là điểm đến yêu thích của nhân sự cấp cao, điều này đóng góp lớn cho gia tăng giá trị thương hiệu DN.

Ông Đào Đình Thi, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt chia sẻ: “Việc ra mắt CSI đã đưa ra một thước đo chuẩn mực chung cho DN Việt và là một bước tiến quan trọng giúp tạo tiếng nói chung trong cộng đồng DN Việt Nam về phát triển bền vững với cộng đồng DN thế giới".

Ông Thi nhấn mạnh: Rất nhiều nghiên cứu, khảo sát trên thế giới về Việt Nam chỉ ra rằng, những DN phát triển bền vững phải có năng lực cạnh tranh, năng suất lao động cao hơn, khả năng thích ứng và hội nhập tốt hơn các DN chỉ hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận mà bỏ qua trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường. Đây là yêu cầu khách quan nhưng cũng là đòi hỏi chủ quan trong quá trình hội nhập vào sân chơi lớn.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm