Ưu đãi thuế phí ô tô điện: "Cần làm nhanh, đi tắt mới hiệu quả"
(Dân trí) - Về ưu đãi thuế phí ô tô điện, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng cần làm nhanh hơn, phá rào để chính sách thực sự hiệu quả.
Xung quanh đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và phí trước bạ đối với ô tô điện, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng xe điện là xu hướng của tương lai và cần cách làm mới để thực sự hiệu quả.
Cần đi tắt, làm nhanh hoặc phá rào!
Trao đổi với Dân trí, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết, có hai lý do mà VCCI nhất trí cao với đề xuất ưu đãi xe điện tại Việt Nam đó là bản chất chính sách này giúp giảm ô nhiễm môi trường do phương tiện mang lại.
"Ô tô điện không chỉ là phương tiện tương lai mà còn là ngành nghề tương lai dẫn dắt nhiều ngành nghề khác và là ngành công nghiệp non trẻ. Vì vậy, Việt Nam nên chọn một ngành có triển vọng như ô tô điện, đầu tư bài bản và giúp họ dẫn dắt khối doanh nghiệp khác đi lên", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trường hợp Việt Nam ban hành chính sách ưu đãi thuế phí xe điện thì sẽ áp dụng cho cả xe nhập khẩu. Nếu như vậy, phải làm nhanh bởi xu hướng phát triển xe điện hiện nay là tất yếu. Nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có thể đưa xe điện vào Việt Nam để hưởng ưu đãi.
"Yếu tố quyết định cho sức cạnh tranh và thành công chính sách là thời điểm và tốc độ. Cần nhanh hơn, phá rào để chính sách thực sự hiệu quả", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo tiết lộ của ông, VCCI cũng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý về đề xuất ưu đãi thuế TTĐB đối với ô tô điện.
Cụ thể, VCCI cho rằng, miễn thuế TTĐB và lệ phí trước bạ đối với các dòng ô tô điện chạy pin là rất cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng ô tô chạy pin, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp giàu tiềm năng này của Việt Nam.
Về lộ trình và cách thức thực hành chính sách, VCCI đề nghị chính sách cần được ban hành nhanh chóng, triển khai được ngay trên thực tế để phát huy hiệu quả tốt nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Biệt đãi có vi phạm quy tắc của WTO không?
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (thuộc VCCI): "Việc ưu đãi xe điện về thuế TTĐB hay phí trước bạ không vướng đến quy tắc phân biệt đối xử quốc gia trong WTO vì đây là chính sách thuế phí nội địa, các quốc gia được quyền điều chỉnh theo kế hoạch của mình miễn là không phân biệt đối xử với hàng nhập khẩu. Với việc ưu đãi thuế phí đối với xe điện sản xuất trong nước, các loại xe điện của các nước khác vào Việt Nam cũng sẽ được ưu đãi tương tự".
Về lệ phí trước bạ, VCCI đề nghị cần ưu tiên đưa dự thảo sửa đổi Nghị định về lệ phí trước bạ vào chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ sớm nhất.
Với thuế TTĐB, VCCI đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm miễn thuế TTĐB đối với ô tô điện chạy bằng pin trong thời hạn nhất định thay vì chờ trình sửa tổng thể Luật thuế TTĐB.
Cơ quan này lý giải, quy trình sửa đổi một đạo luật như Luật thuế TTĐB với nhiều ngành nghề khác nhau, lộ trình 2 kỳ họp, sẽ mất rất nhiều thời gian, chính sách sẽ chậm đi vào thực tế, bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Trao đổi với Dân trí, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng: Xe điện hiện nay là xu hướng của thế giới. Vấn đề đặt ra là chính sách ưu đãi xe điện cần phải đi cùng với chiến lược phát triển quy hoạch ngành điện Việt Nam, trong đó cần nâng tỷ trọng điện sạc pin từ điện tái tạo như điện mặt trời, sức gió và điện sinh khối (rác thải) để đảm bảo cho nền kinh tế tuần hoàn, bền vững.