Úc - Trung Quốc sẽ "hủy diệt" lẫn nhau vì thương chiến?
(Dân trí) - Các mức thuế trừng phạt của Trung Quốc đối với rượu vang, ngũ cốc và thịt của Úc khiến mối quan hệ hai nước ngày càng xa cách. Nếu điều này tiếp diễn, nó sẽ gây thiệt hại lớn cho cả Úc lẫn Trung Quốc.
Wine Estates, công ty rượu vang lớn nhất niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Úc, cho biết trong báo cáo thường niên gần đây rằng, các biện pháp chống bán phá giá mới của Trung Quốc đối với rượu vang Úc đang ảnh hưởng nghiêm trọng đối với công ty.
"Điều này có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi và ngành rượu vang cả ở Úc lẫn Trung Quốc", công ty này cho hay.
Trung Quốc gần đây đã mở cuộc điều tra thứ hai về nhập khẩu rượu vang của Úc. Bắc Kinh đang tiến hành thăm dò riêng về những điều mà họ tin là rượu nhập khẩu của Úc được trợ cấp, đồng thời tuyên bố rằng rượu của Úc có giá bán tại quê nhà cao hơn so với ở Trung Quốc.
Việc rượu vang Úc có giá bán tại chính xứ sở của mình cao hơn so với Trung Quốc có thể là đúng, nhưng điều đó phần lớn là do rượu bị đánh thuế rất nặng ở Úc.
Được biết, cuộc điều tra của Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ kéo dài từ một năm đến 18 tháng.
Về phần mình, Chính phủ Úc khẳng định, họ không hề trợ cấp cho việc xuất khẩu rượu vang. Rượu vang Úc có thể bán chạy nhất tính theo khối lượng và giá trị ở Trung Quốc, nhưng nó chưa bao giờ là rẻ nhất. Trung bình các chai rượu của Úc có giá cao hơn rượu vang Tây Ban Nha và Nam Mỹ.
Rượu vang là sự kiện mới nhất ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương từng bền chặt giữa Úc và Trung Quốc. Các mối quan hệ giữa hai nước đã đi xuống kể từ khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Sau đó, Trung Quốc đã phản pháo lại bằng một loạt các đòn trả đũa và đe dọa về thương mại dành cho Úc như điều tra chống bán phá giá đối với rượu vang của Úc.
Úc là nhà cung cấp rượu lớn nhất của Trung Quốc, thị trường này trị giá ước tính lên đến 1 tỷ AUD (728 triệu USD) mỗi năm. Nhưng con số đó vẫn còn nhỏ so với giá trị xuất khẩu quặng sắt và LNG của Úc sang Trung Quốc.
Trong tháng này, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu thịt từ một lò mổ khác của Úc, ở Queensland, vì cho rằng họ tìm thấy hóa chất chloramphenicol trong các lát thịt bò.
Trước đó, Bắc Kinh đã đình chỉ các lô hàng từ 4 lò mổ khác vào tháng 5, đồng thời đưa ra mức thuế lúa mạch là 80%, mặc dù tranh chấp thương mại chống bán phá giá đã bắt đầu từ nhiều năm trước.
Theo báo cáo, thuế lúa mạch sẽ tiêu tốn của nông dân Úc số tiền lên tới 500 triệu AUD (364 triệu USD). Hơn 60% sản lượng xuất khẩu lúa mạch của Úc là sang Trung Quốc.
Nhìn chung, đây chính là sự "ăn miếng trả miếng" trong thương mại giữa hai nước. Ủy ban Đánh giá Đầu tư Nước ngoài Úc gần đây đã ngăn chặn một Công ty sữa Trung Quốc mua lại một công ty địa phương sở hữu một số nhãn hiệu nước giải khát và sữa nổi tiếng.
FIRB đã chặn các khoản đầu tư trước đây của Trung Quốc, bao gồm một khoản đầu tư của Tập đoàn CK vào năm 2018 để mua công ty đường ống dẫn khí APA Group.
Trung Quốc cũng khuyến nghị những khách du lịch của mình tránh tới Úc và thúc giúc sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Úc chuyển trường.
Có lẽ cách đáp trả đau đớn nhất mà Úc có thể dành cho Trung Quốc đó là ngừng xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc.
Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết trong một báo cáo rằng: “Quặng sắt, than đá và LNG là những thứ thực sự quan trọng đối với Trung Quốc. Khi Trung Quốc phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhu cầu về quặng sắt, than và LNG của Trung Quốc đang bùng nổ - sản lượng nhập khẩu quặng sắt và LNG ở Trung Quốc đã lần lượt tăng 8% và 9% so với năm 2019. Sản lượng than mà Trung Quốc nhập khẩu của Úc cũng đang tăng mạnh mẽ”.
Trung Quốc đã đe dọa sẽ áp đặt thuế quan đối với than và quặng sắt của Úc, nhưng đó chỉ là đe dọa, hiện Trung Quốc vẫn chưa đưa ra động thái gì đối với lĩnh vực này.
Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc khó có thể tìm được nguồn cung cấp ở nơi khác để thay thế cho nguồn cung quặng sắt của Úc; quặng sản xuất trong nước của Trung Quốc có chất lượng thấp hơn nhiều so với của Úc.
Điều đó đã lý giải tại sao các công ty nhà nước của Trung Quốc trước đây đã đấu thầu để mua các kho quặng lớn của Úc, nhưng cuối cùng lại bị từ chối. Có tới 80% lượng quặng sắt xuất khẩu của Úc được đưa đến Trung Quốc.
Mặt khác, thuế LNG mà Trung Quốc áp đặt sẽ đặc biệt có vấn đề vì hầu hết nó được bán thông qua hợp đồng dài hạn và điều đó sẽ khiến người mua Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn vào thời điểm nhu cầu năng lượng đang tăng lên.
Một số hợp đồng LNG đang được đàm phán lại nhưng ba hiệp hội xuất khẩu LNG ở Queensland đều có các đối tác Trung Quốc tham gia. Do vậy, thuế quan mà Trung Quốc đưa ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của chính họ.
Có thể thấy rằng Trung Quốc vẫn phụ thuộc đáng kể vào sản lượng khoáng sản của Úc. Nếu mối quan hệ giữa hai bên xấu đi và ảnh hưởng đến ngành này, rất có khả năng cả Úc và Trung Quốc đều bị thiệt hại đáng kể.
Những màn trừng phạt gần đây của Trung Quốc đã tạo ra nhiều ác cảm đối với người dân Úc. Nhiều cư dân Úc mong muốn rằng chính phủ nên có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò gần đây của Viện nghiên cứu Lowy cho thấy 94% người được hỏi muốn chính phủ Úc tìm thị trường xuất khẩu mới bên ngoài Trung Quốc.
Viện Lowy còn cho biết thêm: “Vào năm 2020, niềm tin của người dân Úc vào Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong lịch sử”.