Doanh nghiệp tuần qua:

Tỷ phú Vượng bán xe điện giá hơn 200 triệu đồng; nỗi ám ảnh của bầu Đức

Mai Chi

(Dân trí) - Tỷ phú Phạm Nhật Vượng công khai cạnh tranh trực tiếp với các hãng xe xăng qua mẫu xe VF3 giá hơn 200 triệu đồng; bầu Đức quyết tâm xóa lỗ lũy kế… là những thông tin doanh nghiệp đáng chú ý tuần qua.

Bán ô tô điện hơn 200 triệu đồng, VinFast công khai tham vọng

Ngày 7/5, trong khuôn khổ hội nghị nhà phân phối ô tô điện VinFast toàn quốc 2024, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu - đã công bố nhận đặt cọc sớm cho mẫu xe điện mini VF 3. Mức giá cho mẫu minicar này chỉ từ hơn 200 triệu đồng.

Mức giá áp dụng trong 72 giờ mở cọc sớm lần lượt là 235 triệu đồng/xe (chưa bao gồm pin) và 315 triệu đồng/xe (kèm pin). Sau ngày 15/5, mức giá chính thức dành cho VF 3 tương ứng lần lượt là 240 triệu đồng/xe (thuê pin) và 322 triệu đồng/xe (kèm pin).

Tỷ phú Vượng bán xe điện giá hơn 200 triệu đồng; nỗi ám ảnh của bầu Đức - 1

Mô hình VinFast VF 3 được trưng bày tại một sự kiện ở Thái Lan (Ảnh: Đình Nam).

Tại sự kiện trên, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, VinFast xác định sẽ cạnh tranh trực tiếp với các hãng xe xăng, mục tiêu chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam với kế hoạch mở rộng hệ thống showroom, đại lý ủy quyền trên toàn quốc lên tối thiểu 120 vào cuối năm nay.

"Người Việt không hề thua kém, chúng ta có khả năng làm được những việc phi thường. Và Vingroup chấp nhận hy sinh, chấp nhận khó khăn để xây dựng thành công một thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế", Vingroup dẫn lời ông Phạm Nhật Vượng.

Thế Giới Di Động giải thể 2 công ty

Ngày 8/5, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) đã thông qua quyết định giải thể 2 công ty con gồm: Công ty cổ phần Logistics Toàn Tín (trụ sở tại TPHCM) và Công ty cổ phần 4K Farm (trụ sở tại Bà Rịa - Vũng Tàu).

Lý do giải thể được lãnh đạo Thế Giới Di Động giải thích là tái cơ cấu nhóm các công ty con nhằm tối ưu việc vận hành.

Báo cáo tài chính quý I của Thế Giới Di Động thể hiện, tại thời điểm 31/3, công ty sở hữu 99,99% tại cả 2 doanh nghiệp trên. Trong đó, giá trị đầu tư vào Công ty cổ phần 4K Farm là 162 tỷ đồng nhưng phải dự phòng 148,1 tỷ đồng. Giá trị đầu tư vào Logistics Toàn Tín xấp xỉ 100 tỷ đồng.

Công ty cổ phần 4K Farm được thành lập ngày 18/9/2020, kinh doanh trong lĩnh vực trồng và chế biến nông sản, mục đích là chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nông dân trồng rau an toàn 4 "không" (không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản, không giống biến đổi gen).

Về phần Logistics Toàn Tín, công ty này được thành lập ngày 10/11/2021, chuyên cung cấp dịch vụ logistics, quản lý kho vận cho các công ty trong tập đoàn và cung cấp một tỷ lệ nhỏ doanh thu cho khách hàng bên ngoài.

Bầu Đức ám ảnh lỗ lũy kế; lên kế hoạch IPO Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai

Ngày 10/5, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG), ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho biết, lỗ lũy kế là nỗi ám ảnh của ông và tất cả cổ đông.

Ông Đức cho hay, chính vì lỗ lũy kế mà năm nào HAGL cũng bị đơn vị kiểm toán cảnh báo. Nếu như HAGL xóa được lỗ lũy kế thì các quỹ đầu tư lớn và các tổ chức sẽ vào HAGL. Công ty đang phấn đấu đến cuối năm nay phải xóa được lỗ lũy kế bằng nhiều cách khác nhau.

Chủ tịch HAGL cũng đề cập đến kế hoạch IPO Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai vào cuối năm nay sau khi trả được nợ gốc cho Eximbank và xóa tiền lãi.

Theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua, HAGL đặt mục tiêu đạt 7.750 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2024, tăng 20% so với thực hiện của năm 2023; lãi sau thuế 1.320 tỷ đồng, thấp hơn 26% năm trước.

Công ty tỷ phú Trần Đình Long tăng vốn lên gần 64.000 tỷ đồng

Ngày 9/5, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) thông báo phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tập đoàn này sẽ chốt danh sách cổ đông được nhận cổ phiếu phát hành thêm vào ngày 25/5, ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/5.

Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long dự kiến phát hành 581,5 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền là 10% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá gần 5.815 tỷ đồng.

Nguồn vốn phát hành được lấy từ vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2023 căn cứ theo báo cáo tài chính năm 2023 kiểm toán, bao gồm 3.211,6 tỷ đồng từ thặng dư vốn cổ phần và 2.603,2 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Sau đợt phát hành này, số lượng cổ phiếu lưu hành của Hòa Phát sẽ đạt khoảng 6,4 tỷ cổ phiếu, là một trong những doanh nghiệp có khối lượng cổ phiếu lưu hành lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.