1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tỷ phú Jack Ma tái xuất nhưng vẫn bí ẩn về nơi ở

Nhật Linh

(Dân trí) - Tuần trước, tỷ phú Jack Ma đã tái xuất sau gần 3 tháng vắng bóng trong một đoạn video sau nhiều đồn đoán "mất tích". Song đến nay, thông tin ông đã ở đâu trong thời gian qua vẫn là một điều bí mật.

Thật khó có thể tưởng tượng nếu tỷ phú Jeff Bezos - CEO của Amazon và là người đàn ông giàu nhất thế giới - không xuất hiện trước công chúng trong gần ba tháng. Nhưng điều đó đã xảy ra với đối thủ cạnh tranh gay gắt của Amazon, ông chủ của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba - Jack Ma - đã không hề xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 10 năm ngoái, ngoại trừ trên một đoạn video ngắn ngủi.

Tỷ phú Jack Ma tái xuất nhưng vẫn bí ẩn về nơi ở - 1

Một bài phát biểu thẳng thừng của ông đã khiến vị trí của Jack Ma lung lay. (Ảnh: ABC News)

Vị doanh nhân 56 tuổi này từng được Forbes xếp hạng là người giàu nhất Trung Quốc. Ông là người đồng sáng lập Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - Alibaba vào năm 1999.

Mặc dù, vào tuần trước, Jack Ma đã tái xuất sau gần 3 tháng vắng bóng trong một đoạn video ngắn sau nhiều đồn đoán "mất tích", song hiện tại, vẫn chưa rõ ông đã ở đâu trong thời gian qua.

Jack Ma là một biểu tượng của sự thành công và khát vọng ở Trung Quốc. Cựu giáo viên tiếng Anh này đã trở thành một siêu sao trong lĩnh vực công nghệ và được nhiều người yêu mến. Các doanh nhân và cư dân mạng gọi ông là "Daddy Ma". Ông Ma đã từng hát cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, đóng vai chính trong các bộ phim bom tấn và được các nghệ sĩ hàng đầu Trung Quốc vẽ chân dung.

Nhưng một bài phát biểu thẳng thừng của ông đã khiến vị trí của Jack Ma lung lay.

Vượt quá lằn ranh

Vào cuối tháng 10/2020, trong bài phát biểu tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải, ông Ma đã chỉ trích các cơ quan giám sát tài chính của Trung Quốc khi nói rằng "ngành tài chính của Trung Quốc về cơ bản không có hệ thống" và các ngân hàng Trung Quốc hoạt động như "tiệm cầm đồ".

Vài ngày sau bài phát biểu đó, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã triệu tập gấp ông Ma và các giám đốc điều hành của Ant Group, sau đó đột ngột đình chỉ thương vụ IPO của Ant Group trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông.

Ant Group là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán lớn nhất Trung Quốc và thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant Group lúc đó được đánh giá là lớn nhất thế giới.

Cuối tháng 12/2020 vừa qua, Alibaba cũng đã xác nhận, tập đoàn đang bị Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường điều tra theo luật chống độc quyền.

Alibaba hiện có hơn 100.000 nhân viên, hiện đang mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo. Tập đoàn này hiện được định giá 460 tỷ USD.

Ông Richard McGregor, một thành viên cấp cao từ Viện Lowy cho rằng, trường hợp của Jack Ma rất quan trọng cả về mặt thương mại lẫn chính trị.

"Trong thời gian qua, Jack Ma có rất nhiều kẻ thù trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc trước đó đã phàn nàn rất nhiều về ông, bởi Ant Group của ông có thể sẽ chiếm mảng kinh doanh của họ" - ông McGregor nói.

Tuy nhiên, ông Ma không phải là doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc đầu tiên đột nhiên "mất tích".

Năm ngoái, ông trùm bất động sản Nhậm Chí Cường cũng được cho là đã biến mất sau khi chỉ trích về cách xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Trung Quốc. Ông này sau đó đã bị kết án 18 năm tù vì tội tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng chức quyền.

"Ẩn mình"

Mặc dù ông Ma đã từ chức Chủ tịch Alibaba để tập trung nhiều hơn cho công việc giáo dục và các hoạt động từ thiện, nhưng ông vẫn là cổ đông cá nhân lớn nhất và nắm giữ ảnh hưởng đáng kể đối với doanh nghiệp này.

Tuần trước, ông Ma đã tham dự một cuộc họp với khoảng 100 giáo viên nông thôn thông qua một đoạn video ngắn. Sự tái xuất ngắn ngủi này của ông sau 3 tháng biến mất đã khiến cổ phiếu của Alibaba tăng 6% sau thời gian dài lao dốc.

Tỷ phú Jack Ma tái xuất nhưng vẫn bí ẩn về nơi ở - 2

Ông Ma xuất hiện trong đoạn video ngắn sau gần 3 tháng "mất tích".  (Ảnh từ video)

Trong đoạn video dài 50 giây đó, ông Ma nói năng khá nhẹ nhàng, trái ngược với phong cách hào hoa và những bài phát biểu gay gắt của ông trước đây.

Tiến sĩ Pichamon Yeophantong - một nhà khoa học về chính trị và là chuyên gia về Trung Quốc tại UNSW Canberra - nói rằng, ngay cả các doanh nhân hàng đầu Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với những rủi ro khi phê bình chính sách của chính phủ.

Theo bà, ông Ma sử dụng ngôn ngữ phù hợp khi phát biểu và tập trung vào các dự án phục hồi nông thôn, phù hợp với các ưu tiên trong chính sách của ông Tập - cho thấy ông đang chịu áp lực và giám sát.

Mặc dù các đồn đoán về nơi ở của tỷ phú Jack Ma vẫn còn tiếp tục song ông McGregor tin rằng, Jack Ma đang "nằm vùng" thay vì "biến mất".

"Kể từ khi Alibaba được niêm yết ở nước ngoài, nếu Jack Ma bị chính quyền giam giữ, tôi không nghĩ nó sẽ bí mật, bởi vì Alibaba sẽ phải công bố thông tin đó" - ông nói và cho rằng: Rõ ràng ông Ma đang bị cảnh báo và "ẩn mình" là cách tốt nhất lúc này.

Lĩnh vực "không được kiểm soát"

Nền kinh tế số của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ kể từ những năm thập niên 1990 và đại dịch Covid-19 vừa qua đã khiến cho nhiều nhà bán lẻ đổ xô vào lĩnh vực kinh doanh trực tuyến.

Tuy nhiên, theo John Lee - chuyên gia phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) ở Berlin - không gian tài chính đã không được điều tiết hợp lý trong một thời gian dài và mô hình quản trị hiện đang được điều chỉnh.

"Các nền tảng Internet đã xây dựng các mô hình kinh doanh và nhanh chóng mở rộng quy mô mà không bị kiểm soát trong suốt những năm 1990 đến đầu những năm 2000" - ông cho biết.

Nhưng "kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc đã triển khai một khuôn khổ thể chế và quy định toàn diện để quản lý không gian mạng, với các động thái kiểm soát các nhà công ty công nghệ tài chính như Ant Group" - ông nói.

"Thực tế, Ant đã không bị phá bỏ và sự tái xuất của ông Ma củng cố thông điệp rằng Trung Quốc sẽ không tìm cách thanh trừng các doanh nghiệp hay các "ông trùm" internet, mà là đưa họ vào tầm kiểm soát" - ông Lee nhấn mạnh.

Theo Reuters, Trung Quốc đang có kế hoạch thúc đẩy các gã khổng lồ công nghệ bao gồm Ant Group chia sẻ dữ liệu cho vay tiêu dùng nhằm ngăn chặn việc vay quá mức và gian lận.

Hiện các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đã đưa ra một số chi tiết về cuộc điều tra chống độc quyền tại Alibaba.

Hôm 26/1, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang cho biết vụ IPO của Ant Group có thể tiếp tục khi tuân thủ đầy đủ luật pháp của nước này và giải quyết các khiếu nại của khách hàng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm