Tỷ phú đua vào vũ trụ: Khởi đầu giấc mơ hay để khẳng định cái tôi?
(Dân trí) - Nếu như trước đây giới siêu giàu so găng về độ dài của những siêu du thuyền thì nay các chuyến bay vào không gian đang là cuộc đua mới của những người đàn ông giàu nhất thế giới.
Theo Washington Post, lần cuối chúng ta chứng kiến cuộc so găng của những người đàn ông giàu có về "đồ chơi" của họ là khi tỷ phú Paul Allen của Microsoft và tỷ phú Larry Ellison của Oracle đọ xem ai là người có du thuyền lớn nhất thế giới.
Sau khi tỷ phú Allen vận hành siêu du thuyền Octopus dài 127 m thì ông Ellison cũng nâng chiều dài của siêu du thuyền Rising Sun lên 138 m.
Nhưng bây giờ, cuộc đua mới của các tỷ phú siêu giàu là các chuyến bay vào không gian, dù chỉ trong quỹ đạo Trái đất. Người đàn ông giàu nhất thế giới Jeff Bezos tuyên bố sẽ bay vào vũ trụ trên con tàu New Shepard của hãng hàng không vũ trụ Blue Origin do ông sáng lập vào hôm nay (20/7).
Trước đó 9 ngày, tỷ phú Richard Branson cũng đã thực hiện thành công chuyến bay kéo dài 1 giờ đồng hồ trên con tàu VSS Unity của hãng Virgin Galactic do ông sáng lập. Ông đã đến được rìa không gian và trải nghiệm cảm giác lơ lửng không trọng lực.
Theo giới truyền thông, hiện tỷ phú Elon Musk - người sáng lập hãng SpaceX - cũng mua một vé để lên tàu của ông Branson.
Đương nhiên họ có thể làm được bởi 3 tỷ phú này đang có tổng tài sản ròng gần 400 tỷ USD.
Đối với những người hâm mộ, lời hứa về việc mở rộng phạm vi tiếp cận không gian ra ngoài Trái Đất thật ly kỳ. Nhưng đối với giới phê bình, việc đổ tiền vào các dự án viển vông này là lãng phí khi còn có nhiều việc phải làm trên Trái Đất này.
Tỷ phú Richard Branson, sở hữu khối tài sản ròng ước tính 5 tỷ USD, đang được giới truyền thông săn đón sau chuyến bay thành công hôm 11/7 vừa qua. "Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mọi người ở mọi lứa tuổi, nguồn gốc, thuộc bất kỳ giới tính hoặc sắc tộc nào, đều có quyền tiếp cận không gian. Tôi nghĩ tôi sẽ truyền cảm hứng khi trở lại Trái Đất", ông bày tỏ cảm xúc sau chuyến bay.
Mặc dù, ông Branson không hề đề cập đến mức vé cho mỗi chuyến bay trên con tàu vũ trụ của Galactic hiện có giá 250.000 USD (tương đương 5,8 tỷ đồng), đã có hơn 600 người đăng ký.
Cách đây 2 năm, tác giả Geoffrey James đã xác định niềm tin chính của giới siêu giàu trong bài viết "Làm thế nào để nghĩ như một tỷ phú". "Các tỷ phú tự thân có xu hướng tin rằng cuộc sống có đãi ngộ xứng đáng và rằng họ trở nên giàu có là vì họ vượt hơn so với mọi người. Điều đó khiến họ vô cùng tự tin. Thực tế không thể phủ nhận là họ có thể mua bất cứ thứ gì họ muốn và họ tin rằng họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn", James viết.
Các tỷ phú ít quan tâm đến việc phá vỡ các quy tắc, một phần bởi vì họ có thể thoát khỏi rắc rối nhưng phần lớn họ tin rằng mọi doanh nhân thành công đều bỏ qua những suy nghĩ thông thường của hiện tại. Sự tập trung của họ hầu như luôn hướng tới tương lai. Và còn điều gì "tương lai" hơn là nghiên cứu tàu vũ trụ?
Ông Branson là một người thích nói đùa. Ông kiếm được rất nhiều tiền từ âm nhạc, truyền thông, tàu hỏa, máy bay và hãng du hành vũ trụ Virgin Galactic mà ông đã thành lập năm 2004. Ông muốn nhìn thấy mọi người bay vào vũ trụ và cho rằng mọi người nên có cơ hội trải nghiệm nó. Mục tiêu của công ty ông là vận chuyển hành khách tới các khách sạn hay phòng thí nghiệm trên không gian hay các chuyến bay xuyên lục địa siêu thanh.
Ngược lại, tỷ phú Bezos lại có niềm đam mê suốt đời với không gian. Trong bài phát biểu tại trường trung học, vị tỷ phú tương lai hồi đó đã vạch ra tầm nhìn cho bản thân: "Không gian: Biên giới cuối cùng. Hãy gặp tôi ở đó".
Ông dành sự ngưỡng mộ đối với thuyền trưởng Picard trong bộ phim viễn tưởng Star Trek (Du hành giữa các vì sao). Nhưng người ảnh hưởng nhiều nhất đối với ông là nhà vật lý Gerard O'Neill - người đã đưa ra ý tưởng về các ngôi nhà cho con người ngoài không gian khi sự sống trên Trái Đất trở nên khó lường.
Đối với Bezos, đây không chỉ là niềm đam mê cá nhân, không chỉ là để tự mình đi vào không gian mà còn để xây dựng các doanh nghiệp thành công trong không gian giống như ông đã làm thành công trên không gian mạng.
Tỷ phú Bezos là người đầu tiên trong 3 tỷ phú thành lập công ty hàng không vũ trụ. Ông sáng lập Blue Orgin vào năm 2000. Sở dĩ ông chọn ngày 20/7 để bay vào vũ trụ vì đó là ngày Neil Armstrong và Buzz Aldrin lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng vào năm 1969.
Nhưng có thể tỷ phú Elon Musk mới là người cuối cùng chiến thắng trong cuộc đua này.
Ashlee Vance, tác giả của cuốn sách "Elon Musk: Tesla, SpaceX và Sứ mệnh tìm kiếm một tương lai ngoài sức tưởng tượng" cho biết: "Elon Musk bắt đầu với SpaceX từ một điểm rất khác với Branson, Bezos và các công ty hàng không vũ trụ của họ. Ông ấy không quan tâm đến du lịch vũ trụ. Mối quan tâm của ông ấy là luôn xoay quanh các khám phá sâu hơn về hệ Mặt Trời".
Tác giả cho rằng, ông Musk cảm thấy "loài người có thể bị xóa sổ và chúng ta cần một kế hoạch dự phòng trên Sao Hỏa hay một nơi nào khác". Tỷ phú Bezos có cùng nỗi lo nhưng ông tập trung vào cơ sở hạ tầng quanh Trái Đất.
SpaceX được thành lập vào năm 2002 khi ông Musk chỉ có khoảng 180 triệu USD. Nhưng giờ đây, SpaceX đã trở thành một doanh nghiệp thành công với hơn 100 vụ phóng tên lửa, đưa các phi hành gia đến các trạm vũ trụ quốc tế, NASA và các hợp đồng quân sự. Mục tiêu của tỷ phú Elon Musk là xây dựng một thành phố trên Sao Hỏa vào năm 2050.