1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tỷ giá tăng 1%: Nhìn từ nợ quốc gia và nợ doanh nghiệp

(Dân trí) - Điểm bất cập lớn nhất khi phá giá tiền đồng dường như là gánh nặng đối với các khoản nợ bằng ngoại tệ của Chính phủ và của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức độ đáng lo ngại của các khoản nợ này ở mức nào?

Ngày 7/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD. Theo quy định biên độ tỷ giá +/- 1%, tỷ giá trần sẽ là 21.890 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD.

Như vây, tính đến hôm nay, NHNN đã sử dụng hết cam kết cho biến động tỷ giá trong năm 2015. Theo CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), với tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại, có lẽ tỷ giá sẽ tăng khoảng 3-4% trong năm nay. Vì vậy, VPBS đang xem xét liệu với tình hình hiện tại, cùng với việc đồng USD tăng giá đối với các đồng tiền khác, có khiến NHNN tăng thêm tỷ giá không và tác động của vấn đề này như thế nào.

Việc điều chỉnh tỷ giá luôn có tác động hai mặt lên nền kinh tế
Việc điều chỉnh tỷ giá luôn có tác động hai mặt lên nền kinh tế

Nợ trái phiếu quốc tế của Chính phủ

Theo nhận định của VPBS, tăng tỷ giá VND sẽ tăng tính cạnh tranh hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nội địa đối với những doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu trong nước để sản xuất thay vì nhập khẩu từ nước ngoài. 

Việc điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ làm xuất khẩu hấp dẫn hơn và giảm nhu cầu nhập khẩu, giúp hỗ trợ tăng trưởng GDP và cán cân thương mại. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả các doanh nghiệp xuất khẩu được cải thiện sẽ làm tăng ngân sách nhà nước thông qua nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp tăng cũng như thuế từ hoạt động xuất khẩu dầu thô khi quy đổi về nội tệ.

Điểm bất cập lớn nhất khi phá giá tiền đồng dường như là gánh nặng đối với các khoản nợ bằng ngoại tệ. Trong số các khoản nợ bằng USD, tổng lượng trái phiếu quốc tế Chính phủ đã phát hành cụ thể như sau. Ngày 27/10/2005, phát hành 750 triệu USD trái phiếu quốc tế với lãi suất 6,875% và sẽ đáo hạn vào 15/1/2016. Ngày 25/1/2010 phát hành thêm 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế, lãi suất 6,755% sẽ đáo hạn ngày 29/1/2020. Gần đây là hoạt động phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế ngày 7/11/2014 lãi suất 4,8%, đáo hạn vào 19/11/2024.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế

Ngoài ra, với các doanh nghiệp có khoản nợ bằng USD thì đây cũng không phải là tin vui. Theo đó, một số doanh nghiệp niêm yết đã phát hành trái phiếu ngoại tệ như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG); Ngân hàng VietinBank (CTG)... cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn, đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, tại ngày 31/12/2014, dư nợ các khoản vay bằng USD của HAG chiếm khoảng 26%. Trong cơ cấu các khoản vay bằng USD, tất cả các khoản vay dài hạn đều là vay từ các ngân hàng thương mại. Tại ngày 31/12/2014, HAG không có khoản dư nợ trái phiếu bằng USD nào.

Các khoản vay đều bằng nội tệ, bao gồm cả khoản trái phiếu quốc tế có giá trị 2.230 tỷ đồng. Các khoản vay bằng USD đều để đầu tư nước ngoài như là các dự án bất động sản tại Myanmar; đầu tư vào cao su và dầu cọ tại Lào và Campuchia. Những khoản đầu tư này đều tạo ra doanh thu bằng ngoại tệ để chi trả cho các khoản vay đó. Vì vậy, nhìn chung, phá giá VND sẽ không ảnh hưởng nhiều đến HAG. 

Tuy nhiên, yếu tố thời điểm cũng có thể được cân nhắc vào lúc này. Trong ngắn hạn, dòng tiền từ các dự án nước ngoài sẽ không mạnh do những dự án này vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai, vì vậy phá giá tiền đồng sẽ tác động tiêu cực đến công ty. Song, trong dài hạn, dòng tiền sẽ mạnh hơn và đủ chi trả cho các khoản vay bằng USD. VPBS đánh giá, trong nửa cuối năm, tình hình sẽ khả quan hơn khi HAG ghi nhận doanh thu từ các dự án bất động sản tại Myanmar.

Ngân hàng VietinBank (CTG) phát hành 250 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 5 năm vào tháng 5/2012, đáo hạn vào tháng 5/2017. Lợi suất coupon cố định là 8%, trả lãi 2 lần/năm. Vào thời điểm phát hành, lợi suất trái phiếu là 8,25%. Tuy nhiên, VPBS cho rằng, VND giảm giá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến CTG do ngân hàng này có lượng USD khá cân bằng giữa tài sản và các khoản nợ. Giá trị của khoản trái phiếu ngoại tệ nói trên tương đối nhỏ so với quy mô của ngân hàng. 

Không phải doanh nghiệp nào có nợ ngoại tệ cũng bị tác động mạnh khi tỷ giá tăng
Không phải doanh nghiệp nào có nợ ngoại tệ cũng bị tác động mạnh khi tỷ giá tăng

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu

Đối với các doanh nghiệp vận tải, tăng tỷ giá 1% ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ròng ở mục nợ ròng. Chẳng hạn, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVT) có khoản vay hơn 121 triệu USD tại ngày 31/12/2014. Theo ban quản trị, tỷ giá VND/USD tăng sẽ làm công ty ghi nhận khoản lỗ chưa thực hiện 25 tỷ đồng. 

Theo ước tính của VPBS, nếu NHNN tăng tỷ giá 3% trong năm 2015 (nghĩa là sẽ tăng thêm 1% nữa), PVT sẽ ghi nhận khoản lỗ ngoại tệ chưa thực hiện khoảng 70 tỷ đồng.

Hay như Công ty Gemadept (GMD) vào cuối năm 2014 có khoản nợ ròng bằng ngoại tệ khoảng 46,7 triệu USD. Lợi nhuận ròng của công ty sẽ giảm khoảng 15 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại, khi NHNN mới chỉ tăng tỷ giá 2%.

Với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu thô trả USD, theo VPBS, việc giảm giá của VND có thể tác động đến các doanh nghiệp khác khi cần phải nhập khẩu nguyên vật liệu ở mức giá cao hơn. 

Ngược lại, với các doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu nhận USD, VPBS cho rằng, các công ty cao su thiên nhiên sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc phá giá đồng Việt Nam. Xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của những công ty này trong khi hầu hết chi phí sản xuất được cung cấp trong nước. Bên cạnh đó, dư nợ vay của những công ty này đặc biệt dư nợ bằng USD là nhỏ, do đó việc phá giá đồng Việt Nam không ảnh hưởng đáng kể lên dư nợ vay. CTCP Cao su Tây Ninh (Mã: TRC) và CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) là hai ví dụ điển hình trong trường hợp này. 

Doanh thu xuất khẩu của TRC đóng góp 40% vào tổng doanh thu trong năm 2014 trong khi tỷ lệ này của PHR là 35%. Tại ngày 31/12/2014, toàn bộ dư nợ của TRC là bằng USD nhưng tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là rất nhỏ, chỉ 3,3%. Đối với PHR, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm 31/12/2014 là 33% và hầu hết dư nợ là bằng tiền đồng.

Ngoài ra, có thể thấy các doanh nghiệp dệt may và thủy sản sẽ được hưởng lợi do doanh thu xuất khẩu nhận USD sẽ tăng khi đổi về VND. 

Tính đến cuối kỳ, tác động của tỷ giá đối với nợ phải trả thuần có nguồn gốc từ ngoại tệ của một số doanh nghiệp theo báo cáo tài chính như sau: Dư nợ vay bằng USD của Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) tại 31/12/2014 là 1.669 tỷ đồng, tăng tỷ giá 1% thì lợi nhuận giảm 17 tỷ đồng. Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) có dư nợ vay là 686 tỷ đồng, tỷ giá tăng 1% thì lợi nhuận giảm 7 tỷ đồng. Đầu tư và Thương mại TNG là 282 tỷ đồng dư nợ, lợi nhuận giảm 3 tỷ đồng. Thủy sản Hùng Vương (HVG) dư nợ vay là 455 tỷ, song sau điều chỉnh tỷ giá, lợi nhuận vẫn tăng 5 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy ảnh hưởng của tỷ giá không đáng kể đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm