1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tỷ giá hối đoái: thả nổi hay cố định

Điều cần chú ý là trong ước tính của IMF không thể hiện rõ dòng vốn đầu tư gián tiếp. Nếu tài khoản vốn thông thoáng, thị trường chứng khoán phình to thì đây là một ẩn số hai mặt...

Ngay những ngày đầu năm 2007, các tín hiệu liên tục được phát ra như: công bố Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối với nhiều cởi mở cho dòng vốn ra-vào; nới rộng biên độ dao động tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ; sẽ tăng tỷ lệ được phép sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trong nước... cho thấy Việt Nam dường như đang đẩy nhanh tiến trình tự do hóa tài khoản vốn và thực hiện một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn.

 

Động thái này chắc chắn được nhiều người mà trước tiên là IMF khuyến khích, thậm chí là thúc giục vì phía ủng hộ cho rằng điều đó sẽ có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng dòng vốn ra - vào tự do với tỷ giá không được kiểm soát dễ làm tổn thương đến nền kinh vốn nhỏ và mỏng manh của Việt Nam.

 

Dự báo lành mạnh

 

Trước hết, có lẽ cần nhìn vào các con số dự báo để tìm hiểu tình hình tài chính của Việt Nam. Thứ nhất, về dòng vốn chảy vào và chảy ra theo tính toán của IMF (2006) thì giai đoạn 2002-2010 sẽ có khoảng 34,2 tỉ đô la đổ vào Việt Nam thông qua tài khoản vốn, trong đó phần lớn là vốn đầu tư trực tiếp. Tổng nợ vay của Việt Nam vào năm 2010 sẽ khoảng 28,8 tỉ đô la, tăng thêm 9 tỉ đô la so với cuối năm 2006, bằng 39,5% GDP. Con số này chỉ thấp hơn tỷ lệ nợ tư nhân nước ngoài của Thái Lan vào 1996, năm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, là 1,5%. Nhưng rất may Việt Nam chủ yếu là Chính phủ vay dài hạn với số phải trả vào năm cao nhất chỉ là 3,9 tỉ đô la nên không có áp lực lớn lắm.

 

Điều cần chú ý là trong ước tính của IMF không thể hiện rõ dòng vốn đầu tư gián tiếp. Nếu tài khoản vốn thông thoáng, thị trường chứng khoán phình to thì đây là một ẩn số hai mặt. Nhìn chung, khả năng đảo ngược dòng vốn như Thái Lan năm 1997, năm xảy ra khủng hoảng, dòng vốn nước ngoài tháo chạy, là rất khó xảy ra đối với Việt Nam trong vòng năm năm tới.

 

Thứ hai, về áp lực đối với tỷ giá. Theo kế hoạch ngoại thương đã được phê duyệt thì đến năm 2010, Việt Nam sẽ cân bằng xuất khẩu và nhập khẩu. Với kinh nghiệm ở các nước thì điều này có thể khả thi, chí ít thì tỷ lệ thâm hụt cũng được thu hẹp lại. Nếu không có những cú sốc bất ngờ thì áp lực để giảm giá mạnh đồng tiền Việt Nam là rất khó xảy ra. Ngược lại, liệu có áp lực tăng giá đồng Việt Nam? Khả năng này cũng có thể khi mà dòng vốn đổ vào nhiều làm cho cung ngoại tệ và cầu tiền đồng gia tăng. Nếu điều này xảy ra sẽ bất lợi cho xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung. Quả bóng lúc này nằm trong chân Ngân hàng Nhà nước.

 

Ưu tiên cho chất lượng tăng trưởng

 

Những thông tin trên báo chí gần đây hình như hàm chứa suy nghĩ cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa nhiệm vụ không để đồng nội tệ lên giá và kiềm chế lạm phát. Không tung tiền đồng mua ngoại tệ thì tiền đồng lên giá, ngược lại thì lạm phát sẽ xảy ra. Thực ra, những số liệu quá khứ ủng hộ hướng Ngân hàng Nhà nước nên tung tiền đồng mua ngoại tệ.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước thì đến hết năm 2006, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã vượt qua con số 12 tỉ đô la, đủ cho nhập khẩu trong ba tháng. Đây là một cải thiện hết sức đáng kể. Trong 10 năm qua, tổng số tiền đồng được tung ra để mua ngoại tệ vào khoảng 150.000 tỉ đồng, chỉ bằng 20% số cung tiền. Tỷ lệ tăng dự trữ ngoại hối bình quân trong 10 năm chỉ là 20%, thấp hơn mức bình quân của Trung Quốc, trong khi mức tăng cung tiền lên đến 30%. Có lẽ do mức tăng cung tiền cao gần gấp đôi, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế lại thấp hơn khoảng 2% là nguyên nhận tạo ra mức lạm phát cao hơn Trung Quốc hiện tại hay Thái Lan cách đây hơn chục năm. Như vậy, việc tung tiền ra mua ngoại tệ tác động đến việc gia tăng lạm phát không nhiều bằng việc đầu tư vào các dự án không tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

 

Lúc này không còn là vấn đề tỷ giá, vấn đề tài khoản vốn mà nó đã là bức tranh rộng hơn về chất lượng tăng trưởng.

 

Bài học của Thái Lan năm 1997 cho thấy, khủng hoảng xảy ra là do tiền đổ vào các lĩnh vực có tính đầu cơ, không tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Do vậy, khi dòng vốn đi vào nhiều, nếu Việt Nam có thể điều khiển tốt để chúng chảy vào nơi tạo ra giá trị gia tăng với suất sinh lợi cao thì điều chắc chắn là nền kinh tế sẽ tốt lên và khủng hoảng rất khó xảy ra. Ngược lại, nếu nguồn lực cứ đem đổ vào các dự án kiểu “đào đường lên rồi lấp xuống” hay dùng để nuôi những “con voi trắng” (những doanh nghiệp khổng lồ nhưng không làm ra lãi) thì những rắc rối đối với nền kinh tế là điều không tránh khỏi cho dù có mở hay đóng nền kinh tế.

 

Việc nới lỏng tài khoản vốn và áp dụng một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn là điều có lợi thực sự cho Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ nên tự do hóa tài khoản vốn khi các khâu khác đã được chuẩn bị xong. Nếu các chính sách được điều hành dựa trên dòng chảy và các quy luật thị trường sẽ góp phần cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Ngược lại, nếu có những liệu pháp gây sốc một cách vội vã như câu chuyện của Thái Lan vừa qua (dùng biện pháp hành chính để ngăn dòng vốn từ ngoài đổ vào) sẽ tổn hại rất nhiều đến nền kinh tế. Đây là điều Việt Nam nên tránh.

 

Một chút ngoài lề

 

Tính độc lập là điều kiện cần để tạo ra một ngân hàng trung ương mạnh. Tuy nhiên, điều này chưa đủ mà tầm ảnh hưởng của nó phụ thuộc rất nhiều vào sức nặng trong các tuyên bố được phát ra trên cơ sở nghiên cứu tỉ mỉ và chính xác. Chỉ có điều này mới có thể dẫn dắt được thị trường. Ở Việt Nam, nếu so sánh với các nước khác, thì các tuyên bố được Ngân hàng Nhà nước đưa ra không hề ít. Tuy nhiên, có vẻ như không được dư luận chú ý cho lắm. Hình như trong những lúc “nước sôi lửa bỏng”, khi chưa kịp nghiên cứu kỹ, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải phát ra tín hiệu nhằm trấn an dư luận. Việc phản ứng tức thời là cần thiết ngay cả nói ngược với thực tế. Nhưng dù sao cũng phải nắm chắc thực tế và xu hướng diễn ra. Hay nói cách khác, thầy thuốc chỉ có thể chữa được bệnh khi có khả năng chẩn đoán đúng. Nếu không sẽ rất rủi ro và mọi thứ sẽ như canh hẹ.      

 

Các số liệu trong bài này chủ yếu lấy từ

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB)

 

Theo Huỳnh Thế Du
Thời báo kinh tế Sài Gòn