1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tỷ giá EUR/VND lao dốc không phanh

(Dân trí) - Trong khi giá USD “leo dốc” thì chiều nay 12/3, EUR lại giảm mạnh xuống dưới mức 23.000 đồng. So với thời điểm này tháng trước, giá EUR đã giảm khoảng 1.500 - 1.600 đồng.

Cuối giờ chiều nay 12/3, trên website của Vietcombank, tỷ giá giá Euro (EUR/VND) được niêm yết giao dịch ở mức 22.489,45 VND (mua vào) - 22.805,16 VND (bán ra), giảm 103 VND so với hôm qua.

Tại Techcombank, giá EUR giao dịch ở mức 22.055 VND - 22.837 VND, giảm tới 286 VND và 289 VND mỗi chiều so với hôm trước. Eximbank giảm 29 VND và 25 VND mỗi chiều, giao dịch ở mức 22.529 VND - 22.786 VND...

So với thời điểm này tháng trước, tức ngày 12/2, giá EUR đã “bốc hơi” tới 1.500 - 1.700 VND.

(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Theo đánh giá của giới chuyên gia, giá EUR tại Việt Nam giảm mạnh có ảnh hưởng phần lớn từ những diễn biến trên thị trường quốc tế. Từ đầu năm đến nay, EUR liên tục mất giá so với USD. Hiện 1 EUR “ăn” 1,39 USD so với mức 1 EUR “ăn” 1,6 USD hồi năm 2008.

Như vậy, giá đồng bạc này đã giảm mạnh nhất trong 12 năm qua so với đồng USD. Còn tính từ đầu năm đến nay, EUR đã mất giá khoảng 11% so với USD.

Ngược lại, giá USD đang có những bước “tăng dần đều” và hiện “neo” ở mức 21.400 VND. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD ngày 12/3 là 21.458 VND; tỷ giá VND/USD là 21.350 VND - 21.600 VND, tỷ giá VND/EUR là 22.415 VND-22.868 VND.

Quan sát thị trường cho thấy, sở dĩ đồng USD mạnh lên như vậy bởi nền kinh tế Mỹ được cho là có sự hồi phục nhanh nhất trong gần 6 năm qua. Cùng với đó, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ nâng lãi suất USD vào giữa năm nay.

Trong khi đó, từ ngày 9/3 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu chương trình mua trái phiếu nhằm kích kích tăng trưởng kinh tế. Và đây được cho là yếu tố đã khiến lãi suất trong khu vực Eurozone giảm xuống. Vì thế, các nhà đầu tư đã tìm đến những thị trường có mức lợi nhuận cao hơn.

Tại Nhật ký tư vấn ngày 11/3, Khối phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) đã đặc biệt chú ý đến diễn biến của đồng USD trên thị trường thế giới.

Quan sát bộ chỉ số của Bloomberg trong đó tính toán thay đổi của rổ 6 đơn vị tiền tệ phổ biến so với đồng USD có thể thấy sự tăng vọt trong ngày 11/3 (tăng 8%). Chỉ số này đạt mức 1.209 điểm, vượt qua mức đỉnh vào tháng 3/2009 (1.144 điểm).

So sánh rổ ngoại tệ, hầu hết các quốc đều giảm khá mạnh như Brazil, Yên Nhật, đô la Úc có sự thay đổi lớn nhất so với USD tính từ 1/1/2013 đến nay, lần lượt vào khoảng 52%, 39% và 29%.

Một cách tương đối, khi đồng USD tăng giá thì hàng hóa Euro xuất khẩu sang Mỹ sẽ có nhiều thuận lợi. Cụ thể, tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của châu Âu vào thị trường Mỹ đã tăng lên 17,02% (2014) so với mức 16,62% (2013). Tuy nhiên, điều mà nhóm phân tích quan tâm là sự biến động của hai đồng tiền này ảnh hưởng như thế nào đến hàng hóa của Việt Nam.

Do đó, Khối phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước cam kết ổn định tỷ giá USD/VND ở mức 1-2%/năm, xét ở góc độ cạnh tranh, có ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Với sự ổn định này, tiền đồng Việt Nam sẽ đắt hơn một cách tương đối so với đồng Euro khi USD tăng giá.

An Hạ

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm