1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tỷ giá đồng Nhân dân tệ đạt đỉnh của 20 năm

(Dân trí) - Tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc so với Đôla Mỹ chạm mức cao nhất kể từ năm 1993. Cho tới gần đây, Trung Quốc vẫn bị Mỹ cho là cố tình định giá đồng nội tệ ở mức thấp để tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Nhân dân tệ còn có thể tăng giá thêm trong thời gian tới.
Nhân dân tệ còn có thể tăng giá thêm trong thời gian tới.

Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, hôm qua, tỷ giá Đôla Mỹ/Nhân dân tệ tại thị trường Thượng Hải đóng cửa ở mức 6,0723 Nhân dân tệ đổi 1 Đôla. So với mức giá đóng cửa cuối tuần trước, tỷ giá Nhân dân tệ chốt ngày 9/12 đã tăng 0,2%. Trong phiên giao dịch, tỷ giá này có lúc đạt 6,0713 Nhân dân tệ/Đôla Mỹ, là mức tỷ giá cao nhất của đồng nội tệ Trung Quốc so với đồng “bạc xanh” kể từ năm 1993 - theo dữ liệu của Hệ thống thương mại hối đoái Trung Quốc.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
 
 
 


Giới phân tích đánh giá, có thể xem việc đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh là một tín hiệu cho thấy, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cởi mở hơn trong việc cho phép các dòng vốn đầu tư và thương mạnh quyết định tỷ giá hối đoái trong bối cảnh thặng dư thương mại của nước này lên cao nhất kể từ năm 2009.

Theo thống kê do cơ quan hải quan của Trung Quốc công bố hôm qua, thặng dư thương mại của nước này trong tháng 11 đã tăng lên mức 33,8 tỷ Đôla Mỹ, cao nhất kể từ tháng 1/2009, do xuất khẩu tăng mạnh. Tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Chu Tiểu Xuyên nói rằng, cơ quan này “về cơ bản” sẽ kết thúc can thiệp vào thị trường tiền tệ và nới lỏng biên độ dao động tỷ giá của đồng Nhân dân tệ.

“Thặng dư thương mại của Trung Quốc sẽ gây sức ép đối với đồng Nhân dân tệ, khiến đồng tiền này tăng giá thêm một thời gian nữa”, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của hãng nghiên cứu Capital Economics, ông Mark Williams, nhận định. “Có khả năng, cải cách quan trọng tiếp theo của Trung Quốc sẽ là nới rộng biên độ dao động cho phép cho đồng Nhân dân tệ” nhằm tăng tính linh hoạt cho tỷ giá đồng tiền này.

Hiện PBoC đã tăng tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ lên mức 6,1130 Nhân dân tệ đổi 1 Đôla Mỹ, mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc chấm dứt neo buộc tỷ giá Nhân dân tệ vào đồng Đôla Mỹ vào tháng 7/2005. Biên độ dao động tối đa cho phép của đồng Nhân dân tệ so với Đôla Mỹ hiện nay là +/-1%.

Từ đầu năm đến nay, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 2,6% so với Đôla Mỹ, trở thành đồng tiền có mức tăng giá mạnh nhất ở châu Á. Tính từ năm 2005, tỷ giá Nhân dân tệ đã tăng 36%.

Đối mặt với sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế, vào tháng trước, Trung Quốc cam kết cho phép khu vực tư nhân đầu tư nhiều hơn vào các ngành kinh tế do khu vực nhà nước nắm quyền kiểm soát, nới lỏng chính sách 1 con và nâng cao vai trò của thị trường. Đây được xem là đợt cải cách lớn nhất ở Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua, cho dù các chính sách chưa có gì cụ thể.

Trong một tài liệu công bố vào tháng trước liên quan tới vấn đề cải cách, Thống đốc PBoC Chu Tiểu Xuyên nói, PBoC sẽ “thiết lập một hệ thống hối đoái thả nổi có kiểm soát dựa trên cung cầu của thị trường” và sẽ “về cơ bản rút khỏi hoạt động can thiệp bình thường vào thị trường ngoại hối”.

Các chuyên gia dự báo rằng, với hướng cải cách như vậy của Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ sẽ còn tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

Cách đây chưa lâu, Trung Quốc vẫn còn bị nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là Mỹ, cho là cố tình giữ tỷ giá đồng nội tệ thấp hơn giá trị thực để hỗ trợ cho khu vực xuất khẩu của mình, gây phương hại cho các quốc gia khác. Thậm chí, đã có lúc xuất hiện cảnh báo cho rằng, chính sách tiền tệ như của Trung Quốc có thể gây ra “chiến tranh tiền tệ” trên phạm vi toàn cầu.

Tuy vậy, với sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ trong thời gian qua, sức ép của các quốc gia khác đối với Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá cũng giảm dần. Đến nay, chủ đề này không còn là một vấn đề “nóng” trên báo chí quốc tế như trước nữa.

Phương Anh
Theo Bloomberg
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước