Tuyến Metro đầu tiên của Pakistan do Trung Quốc đầu tư chính thức lăn bánh
(Dân trí) - Đoàn tàu điện đầu tiên vừa chính thức “lăn bánh” tại Thủ đô Lahore, Pakistan vào cuối tuần qua, trước sự phấn khởi và háo hức của người dân nơi đây.
Tờ Caixin của Trung Quốc hôm 28/10 đã đăng tải bài viết với tựa đề “Nhờ có Trung Quốc, tuyến metro đầu tiên của Pakistan đi vào hoạt động”.
Tuyến metro điện đầu tiên tại Pakistan đã chính thức được đưa vào hoạt động sau nhiều năm trì hoãn do tranh cãi chính trị và phản đối từ các nhà phê bình khi đây là một dự án do Trung Quốc đầu tư, xây dựng và vận hành.
Vào hôm 26/10, tuyến metro sau 5 năm xây dựng này đã bắt đầu khai thác thương mại, đón những hành khách đầu tiên.
Trong ngày hôm đó, hàng ngàn người dân, gồm sinh viên và quan chức chính quyền, đã đổ về các nhà ga để bắt chuyến tàu điện đầu tiên của họ.
“Đây là một dự án tuyệt vời, là điều may mắn với dân thường vì giúp họ đi lại rẻ, nhanh và thoải mái” - Aabid Klasra, nhân viên y tế, chia sẻ. Thông thường sẽ mất 55 phút đi xe hơi tới bệnh viện, nhưng giờ chỉ tốn 15 phút.
Tham gia xây dựng tuyến metro trên là các công ty quốc doanh của Trung Quốc như Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc, Norinco. Guangzhou Metro, một đối tác Trung Quốc trong dự án, nói rằng hệ thống tàu điện trên sử dụng “tiêu chuẩn, công nghệ và thiết bị của Trung Quốc”.
Pakistan hiện đang thiếu trầm trọng phương tiện vận tải công cộng và cơ sở hạ tầng hiện đại. Theo Xinhua, việc đưa vào hoạt động tuyến metro trên là khởi đầu của “một giai đoạn mới đối với Pakistan về vận tải công cộng”.
Là một phần trong dự án hạ tầng giao thông trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường" của Trung Quốc bao gồm một hệ thống đường sắt, đường bộ và đường ống dẫn có thể kết nối thành phố cảng Gwadar của Pakistan với TP Kashgar ở Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.
Tuyến tàu điện này còn được gọi với cái tên “tàu điện da cam”, là hệ thống vận tải đại chúng đầu tiên của Pakistan. Tàu di chuyển hoàn toàn tự động, không người lái. Dự kiến, tuyến tàu điện trị giá 1,6 tỷ USD sẽ vận tải nửa triệu hành khách/ngày.
Nhìn qua có thể thấy, Pakistan gần như rất lợi khi hợp tác với Trung Quốc trong dự án này. Nhưng thực chất, các nhà hoạt động vì môi trường lâu nay cực lực phản đối và chỉ trích dự án này vì cho rằng, việc xây dựng sẽ đe dọa tới môi trường và văn hóa Lahore.
Trong khuôn khổ CPEC, Trung Quốc đã cam kết đầu tư hơn 60 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Pakistan. Tuy nhiên, CPEC đã vấp phải chỉ trích từ một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, với lý do các dự án trong hành lang này không đủ minh bạch và sẽ khiến Islamabad phải gánh chịu những khoản vay đắt đỏ từ Bắc Kinh.