Số phận dự án đường sắt “đội” vốn “khủng”, thi công tốc độ... rùa bò

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Được triển khai từ hơn 10 năm trước, vốn đầu tư của các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM “đội” lên từng ngày nhưng tiến độ thì dậm chân tại chỗ. Số phận của những dự án này như thế nào?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và một số dự án quan trọng trong lĩnh vực giao thông.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo)

Dự án được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008, với tổng mức đầu tư ban đầu 19.555 tỷ đồng, là dự án nhóm A. Trong quá trình thực hiện, Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 35.678 tỷ đồng. Nguồn vốn sử dụng là ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.

Số phận dự án đường sắt “đội” vốn “khủng”, thi công tốc độ... rùa bò - 1
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, giai đoạn 1

Dự án có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên Phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).

Thời gian thực hiện dự án là từ 2009 - 2015, theo tiến độ ban đầu sẽ khai thác năm 2017, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa có động tĩnh gì. Quy mô xây dựng dự án, tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm và 3 km đi trên cao, khổ đường sắt đôi 1.435 mm.

Bộ KH&ĐT cho biết, theo quy định tại Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia, Dự án thuộc diện phải báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia.

Ngày 19/12/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 11547/VPCP-CN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục giám sát Dự án; chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan chuẩn bị báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án.

Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)

UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4856/QĐ-UBND ngày 15/11/2019 về việc phê duyệt điều chỉnh dự án. Dự án có chiều dài 19,7km, với 11 nhà ga, trong đó có 2,6km đi ngầm, do nhà thầu Nhật thực hiện.

Đến nay, khối lượng thi công đạt 75%, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2021. Mới đây, đoàn tàu đầu tiên được chế tạo tại Nhật về dự án và chạy thử đoạn trên cao vào quý III/2020.  

UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4856/QĐ-UBND ngày 15/11/2019 về phê duyệt điều chỉnh dự án. Hiện tại, UBND TP.HCM đang làm việc với Bộ Tài chính thẩm định điều kiện vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ cho Dự án.

Một số thủ tục về vốn, cơ chế tài chính và Hiệp định vay của dự án đang được UBND TP.HCM làm việc với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để giải quyết.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi)

Dự án được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2004, với quy mô xây dựng tổ hợp ga và đoạn cầu cạn từ Giáp Bát - Gia Lâm và cầu vượt sông Hồng. Chiều dài toàn tuyến là 28,7 km, tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng, tiến độ 2007-2017.

Số phận dự án đường sắt “đội” vốn “khủng”, thi công tốc độ... rùa bò - 2
Phối cảnh Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi

Đến nay, dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi chưa thể triển khai thi công, nhưng tổng mức đầu tư toàn bộ dự án toàn tuyến ước tính khoảng hơn 81.000 tỷ đồng, tăng 9 lần so với kế hoạch ban đầu. Dự án đã giải phóng được 130 ha đất với tổng giá trị giải ngân 1.074,4 tỷ đồng.

Bộ KH&ĐT cho biết, trong quá trình triển khai, dự án đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc (kỹ thuật-công nghệ mới, phức tạp, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; vướng mắc về cơ chế tài chính,…) làm chậm tiến độ thực hiện dự án và phải điều chỉnh phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn cho phù hợp với tình hình thực tế và khả năng huy động vốn.

Tương tự, các dự án có quy mô trên 10.000 tỷ đồng, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, còn nhiều ý kiến băn khoăn về thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và đề nghị phải rà soát kỹ lưỡng để báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh Dự án.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND TP.Hà Nội thống nhất định hướng quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực đường sắt qua địa bàn thành phố Hà Nội (trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên-Ngọc Hồi) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về kế hoạch triển khai dự án, phân giao trách nhiệm chủ dự án đầu tư Dự án.