Tương lai nào cho công nghiệp xe máy Việt Nam?

Khi các đô thị lớn đang tính đến lộ trình hạn chế xe máy, có ý kiến cho rằng ngành công nghiệp này đã đến lúc phải chuyển hướng.

Việt Nam vốn được coi là trung tâm công nghiệp xe máy châu Á. Chỉ riêng tại thị trường Việt Nam mỗi năm đã tiêu thụ hơn 3 triệu xe, chưa kể số xe xuất khẩu. Khi các đô thị lớn đang tính đến lộ trình hạn chế xe máy, có ý kiến cho rằng ngành công nghiệp này đã đến lúc phải chuyển hướng sang xuất khẩu?

Tương lai nào cho công nghiệp xe máy Việt Nam? - 1

Khung cảnh bên trong nhà máy lắp ráp xe Honda tại Hà Nam

Doanh số 3 triệu xe/năm đã kịch kim?

Theo số liệu thống kê, trong nhiều năm trở lại đây thị trường xe máy vẫn duy trì ở mức trên dưới 3 triệu xe/năm. Thậm chí trong báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, trong Quý I/2019, các doanh nghiệp xe máy đã xuất xưởng 857,7 nghìn chiếc, tăng 2% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp xe máy đang đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách cũng như giải quyết hàng nghìn công ăn việc làm.

Thực tế đến thời điểm này hầu hết các tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp xe máy thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Các thương hiệu hàng đầu thế giới như: Honda, Yamaha, Piagio, Suzuki, SYM… không những coi Việt Nam là một thị trường tiêu thụ lớn mà còn xác định là đại bản doanh để sản xuất xe máy xuất khẩu đi các nước.

Trước đề xuất hạn chế xe máy tại các đô thị lớn, có ý kiến cho rằng, đã đến thời điểm ngành công nghiệp xe máy Việt Nam cần có sự chuyển hướng. Tuy nhiên theo TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, sự linh hoạt và hiệu quả khi di chuyển bằng xe máy phần nào vẫn giúp loại phương tiện này tiếp tục được tin dùng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về xe máy tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ 2013 - 2017 chỉ ra rằng, xe máy vẫn tiếp tục gia tăng, thậm chí phần lớn các hộ gia đình có điều kiện sở hữu ô tô vẫn giữ xe máy để sử dụng. Một lý do khác là giá ô tô trong nước vẫn còn cao, chi phí sử dụng đắt đỏ nên người dân quay trở lại dùng xe máy.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, lộ trình cấm xe máy tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là đã được xây dựng là đến năm 2030. Tuy nhiên lộ trình này có đạt được hay không lại là một câu chuyện khác.

Đề xuất hạn chế xe máy cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Cấm xe máy có cấm luôn cả xe máy điện hay không?” Bởi trong tình hình hiện nay, một vài hãng xe lớn tại Việt Nam đang có những động thái chuyển hướng sang sản xuất xe máy điện như: VinFast, Honda hay Piaggio Việt Nam…

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), việc cấm xe máy nếu thực hiện không chỉ cấm xe máy động cơ xăng mà còn phải cấm cả xe máy điện bởi hiện nay xe máy điện chỉ giải quyết được vấn đề môi trường nhưng mục tiêu cấm xe máy là để giảm ùn tắc giao thông. Như vậy phải coi xe máy xăng hay xe máy điện như nhau, quản lý như nhau thì mới đạt được mục đích giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên theo ông Tuấn Anh, với tình hình như hiện nay việc cấm xe máy sẽ rất khó: “Thực ra hiện nay mới chỉ đề xuất cấm một số tuyến đường có phương tiện công cộng. Người Việt Nam mình mưu sinh chủ yếu vẫn nhờ cái xe máy, bản thân người nhà, gia đình mình cũng mưu sinh nhờ chiếc xe máy nên việc cấm xe máy tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần phải bàn bạc rất kỹ…”.

Tương lai nào cho công nghiệp xe máy Việt Nam? - 2

Nếu cấm xe máy, phải cấm cả xe máy điện mới đảm bảo được mục tiêu giảm ùn tắc giao thông

 
 

Công nghiệp xe máy có chuyển hướng?

Theo ông Tuấn Anh, việc sản xuất xe máy hiện nay đều do thị trường điều tiết, không có chiến lược phát triển cụ thể. “Hiện, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe máy đã đạt trên 90% nên Nhà nước không có thêm chính sách, chiến lược gì cho ngành công nghiệp này. Còn về sau tùy điều kiện kinh tế - xã hội vào từng thời điểm, có thể Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ có hướng đi khác cho ngành công nghiệp này”.

Khi được hỏi, nếu cấm xe máy tại 2 thành phố lớn được hiện thực, các doanh nghiệp xe máy có nên chuyển hướng, đẩy mạnh xuất khẩu thay vì tập trung vào thị trường nội địa? ông Tuấn Anh chia sẻ: “Ví dụ như Honda Việt Nam cũng đã sản xuất xe để xuất khẩu. Tuy nhiên Honda Việt Nam chỉ là công ty con của tập đoàn Honda toàn cầu và sản xuất tại Việt Nam, đã được phân vùng sản xuất mẫu xe nào, phục vụ cho thị trường nào. Họ không thể xuất khẩu sang các thị trường khác, nơi mà mẫu xe đó đã được phân vùng do một công ty Honda khác sản xuất và phục vụ. Tập đoàn mẹ có hướng để các công ty con không chồng chéo trong việc sản xuất cũng như xuất khẩu được”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về định hướng tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới của các hãng xe máy, ông Kawano Toshiya, Tổng giám đốc Yamaha Motor Việt Nam – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) nhận định, hiện thị trường xe máy Việt Nam đang ở xu thế “đi ngang” và ổn định với doanh số trên 3 triệu xe/năm. Nhu cầu của thị trường hiện cũng có nhiều thay đổi so với trước khi người dân ngày càng mong muốn các sản phẩm có chất lượng cao cấp hơn, đặc biệt là giới trẻ. Hiện các sản phẩm xe tay ga chiếm tới 50% doanh số. Vì thế các doanh nghiệp xe máy vẫn đánh giá thị trường Việt Nam còn tiềm năng phát triển.

Khi được hỏi, Yamaha có dự kiến tiếp tục nâng công suất tại Việt Nam trong bối cảnh có những chủ trương hạn chế xe máy tại hai thành phố lớn, ông Kawano Toshiya cho biết, hiện các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến chủ trương này. Tuy nhiên việc có tiếp tục nâng công suất lên hay không sẽ còn phụ thuộc vào tình hình phát triển của thị trường trong thời gian tới.

Theo Thanh Tùng
Giao thông
Tương lai nào cho công nghiệp xe máy Việt Nam? - 3