Tung gói 30.000 và 250.000 tỷ đồng: Không bơm tiền mới, có lo lạm phát?

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, TS. Đinh Tuấn Minh cho rằng về bản chất, hai gói hỗ trợ này không giống như những gói kích cầu năm 2009.

Nhiều doanh nghiệp dệt may lo ngại phá sản vì Covid-19

Thủ tướng Chính phủ mới đây ban hành Chỉ thị 11 với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội.

Theo đó, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19. Trước hết, các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng cho giải pháp này.

Bộ Tài chính cũng được yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước... ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Trao đổi với Dân trí, TS. Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội cho biết, về bản chất, hai gói hỗ trợ này không giống như những gói kích cầu năm 2009.

Ông Đinh Tuấn Minh nói:

- Đây không phải là gói kích thích kinh tế, không phải là tiền mới từ ngân sách nhà nước được bơm vào nền kinh tế. Nếu có thì sẽ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, không giống như bản chất gói kích cầu năm 2009 mà là sự hỗ trợ từ phía ngân hàng đối với doanh nghiệp. Việc hỗ trợ này chủ yếu sẽ làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

Còn đối với gói hỗ trợ tài khoá khoảng 30.000 tỷ đồng là giảm thuế, giãn thuế… cơ bản cũng không phải là hình thức bơm tiền vào kinh tế mà bản chất là một phần ngân sách đáng thu được nhưng chưa thu vội.

Cụ thể các gói này triển khai như thế nào, doanh nghiệp tiếp cận ra sao cần sớm được làm rõ, cần sớm có những hướng dẫn cụ thể để đối tượng được hỗ trợ có thể nắm được.

Tung gói 30.000 và 250.000 tỷ đồng: Không bơm tiền mới, có lo lạm phát? - 1
Chuyên gia Đinh Tuấn Minh.

Chưa gây áp lực lạm phát trong ngắn hạn

Việc tung hai gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng có làm tăng áp lực lạm phát không thưa ông?

Việc bơm tiền quá mạnh vào nền kinh tế sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát. Nhưng như tôi đề cập ở trên, không phải là hình thức bơm tiền.

Ở thời điểm hiện tại, cả hai gói này đều có các hình thức chọn lọc cho đối tượng nhất định, không dàn trải… Tôi cho rằng trong ngắn hạn sẽ không gây áp lực về lạm phát.

Người đứng đầu Chính phủ gần đây vẫn nhấn mạnh mục tiêu đó là ổn định vĩ mô, đồng thời chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế.

Tôi cho rằng Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách này. Duy trì ổn định vĩ mô rất quan trọng, tạo niềm tin cho nền kinh tế trong dài hạn.

Dù những tác động Covid-19 là lớn, đây là một cú sốc nhưng sau đó hồi phục như thế nào, có vững chắc hay không phụ thuộc vào nền tảng vĩ mô. Nếu lạm phát lớn, nợ công cao, nền tảng kinh doanh rủi ro, bất ổn… thì coi như thất bại.

Việc bơm tiền vào nền kinh tế có thể đỡ một chút trong thời điểm nhưng dài hạn thì đáng lo ngại. Tôi nhấn mạnh, nền tảng vĩ mô ổn định là rất quan trọng đối với Việt Nam.

Lo ngại suy thoái, phải làm gì?

Dịch Covid-19 đang bùng phát ở Việt Nam. Chứng khoán giảm mạnh nhất nhiều năm nay, hàng tỷ USD bị “thổi bay” ngay phiên đầu tuần vì lo ngại Covid-19. Giá vàng tiếp tục lên cao cho thấy tâm lý bất ổn. Nỗi lo suy thoái cận kề rồi thưa ông?

Đâu chỉ Việt Nam, suy thoái là nỗi lo toàn cầu hiện nay trước đại dịch Covid-19.

Nếu kéo dài như dịch SARS năm 2003, từ 6-8 tháng mới kiểm soát được khả năng dẫn đến suy thoái kinh tế là hiện hữu.

Kịch bản có thể thấy, đó là khi những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu sẽ không thể cầm cự được thêm, buộc phải ngừng hoạt động và sa thải nhân công.

Lực lượng lao động không có việc làm này sẽ khiến cho cầu trong nền kinh tế bị sụt giảm tiếp, kéo theo các doanh nghiệp trong các ngành khác bị ảnh hưởng theo.

Lúc này doanh nghiệp phải có cái nhìn dài hơi, chuẩn bị cho mình chiến lược sống còn, cầm cự được 6 tháng - 1 năm. Nếu doanh nghiệp cứ tiếp tục duy trì bình thường, không cân đo đong đếm, liệu cơm gắp mắm sẽ dễ dẫn tới phá sản.

Còn về phía Chính phủ, điều quan trọng nhất lúc này vẫn là kiểm soát dịch bệnh thật tốt; tạo niềm tin cho xã hội. Bên cạnh đó đưa ra thông điệp kêu gọi, người dân, doanh nghiệp chia sẻ rủi ro, cùng hỗ trợ nhau để “sống" qua cơn dịch.

Nhà nước lúc này không nên hỗ trợ trực tiếp. Bởi chống dịch tốn kém, nguồn thu giảm, hãy tập trung chống dịch, kiểm soát ổn định vĩ mô.

Kịch bản có thể nói tệ nhất, trong trường hợp nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái, Chính phủ có thể cân nhắc cải cách toàn diện chính sách thuế theo hướng giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và bù đắp hụt thu từ các sắc thuế trên bằng việc tăng thuế giá trị gia tăng.

Giải pháp này không những vẫn đảm bảo cân bằng ngân sách mà còn khuyến khích người dân tăng tiết kiệm, bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, qua đó nhanh chóng giúp nền kinh tế hồi phục trở lại.

Một cải cách toàn diện như vậy có thể sẽ gặp nhiều phản ứng trong giai đoạn bình thường nhưng có thể sẽ dễ dàng được thông qua trong giai đoạn dịch bệnh vừa kết thúc.

Nguyễn Mạnh (thực hiện)