1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Từ vụ nợ thẻ 8,8 tỷ đồng, điểm danh các loại phí của thẻ tín dụng

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Có nhiều loại phí phổ biến khi dùng thẻ tín dụng như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phí chậm thanh toán, phí vượt hạn mức tín dụng, phí chuyển đổi ngoại tệ… Người dùng cần để ý những loại phí này.

Giao dịch thẻ là việc sử dụng thẻ để gửi, rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ và sử dụng các dịch vụ khác do tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ cung ứng.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thẻ khác nhau. Một số loại tiêu biểu có thể kể đến gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước, thẻ đồng thương hiệu…

Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán, chi tiêu để mua hàng hóa/dịch vụ trước và thanh toán lại cho ngân hàng phát hành sau. 

Việc sử dụng thẻ tín dụng không còn xa lạ những năm gần đây, đặc biệt tại các thành phố lớn khi mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán rộng khắp, nhưng không phải ai cũng hiểu những quy định và các chi phí phát sinh khi sử dụng.

Từ vụ nợ thẻ 8,8 tỷ đồng, điểm danh các loại phí của thẻ tín dụng - 1

Có nhiều loại phí phổ biến khi khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng (Ảnh: IT).

Có nhiều loại phí phổ biến với thẻ tín dụng.

- Phí thường niên: Mỗi năm, khách hàng trả loại phí này một lần, tùy từng ngân hàng song mức phí phổ biến khoảng 200.000-500.000 đồng. Với một số loại thẻ dành cho nhóm khách hàng chi tiêu với hạn mức tín dụng lớn, phí thường niên có thể từ 2-3 triệu đồng.

- Phí rút tiền mặt: Khách hàng có thể rút tiền mặt tới 70% hạn mức tín dụng được cấp, mức phí 2-4% số tiền được rút, tùy theo thời điểm thị trường và quy định của từng ngân hàng.

- Phí chậm thanh toán: Khách hàng phải trả phí chậm thanh toán khi không thanh toán, hoặc thanh toán ít hơn giá trị thanh toán tối thiểu (thông thường 5% của dư nợ cuối kỳ). Khoản phí này thông thường bằng 3-4% số tiền thanh toán tối thiểu.

Ví dụ: Tổng chi tiêu bằng thẻ tín dụng là 100 triệu đồng. Giá trị thanh toán tối thiểu cần phải trả khi đến kỳ thanh toán = 5% x 100 triệu đồng = 5 triệu đồng. Phí chậm thanh toán = 4% x 5 triệu đồng = 200.000 đồng.

- Phí vượt hạn mức tín dụng: Ngân hàng cho phép khách hàng "quẹt lố" mức cho phép với điều kiện đóng khoản phí vượt hạn mức tín dụng trên phần tiền vượt. Mức phí này có thể được quy định một mức cụ thể, hay được tính phần trăm trên số tiền vượt hạn mức tín dụng.

- Phí chuyển đổi ngoại tệ: Khách hàng sử dụng thẻ để thanh toán cho các giao dịch bằng ngoại tệ tại nước ngoài. Số ngoại tệ này sẽ được chuyển đổi và thể hiện bằng tiền VND trên bảng sao kê và khách phải trả thêm phí chuyển đổi ngoại tệ. Mức phí này có thể là 2% hay 3% trên số tiền của mỗi giao dịch.

- Lãi suất thẻ tín dụng: Thực tế, lãi suất sẽ không được áp dụng nếu như khách hàng không thanh toán toàn bộ dư nợ cuối kỳ khi đến hạn thanh toán và dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt.

Lãi suất này sẽ điều chỉnh tùy theo thời điểm thị trường và theo quy định của từng ngân hàng. Giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng sẽ được tính lãi sau 30-45 ngày, tùy theo quy định mỗi ngân hàng. Còn mỗi khoản tiền mặt được rút sẽ bị tính lãi suất từ ngày tiền mặt được ứng cho đến khi tất cả khoản nợ tiền mặt được thanh toán hết.

 Bên cạnh đó, mỗi ngân hàng phát hành các loại thẻ tín dụng với những loại phí khác nhau. Một số loại phí khác có thể kể đến gồm phí dịch vụ phát hành nhanh, phí thay thế thẻ, phí cấp lại thẻ, phí cấp lại pin, phí thông báo thẻ mất cắp, phí kích hoạt thẻ tại quầy, phí chấm dứt sử dụng thẻ, phí cấp bản sao hóa đơn giao dịch... Khách hàng cần nắm được bản thân hiện sử dụng loại thẻ nào và tra cứu các chi phí thẻ của mình phải trả trên website ngân hàng khách hàng đăng ký dịch vụ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm