Tư vấn... độc

Chuyên gia dự báo giá cổ phiếu theo kiểu tư duy tuyến tính, toán học nên ngày càng đánh mất niềm tin đầu tư trên thị trường

Tư vấn... độc  - 1
Mặc dù thị trường chứng khoán ảm đạm kéo dài nhưng hằng ngày nhiều chuyên gia tài chính vẫn trơ trẽn tư vấn khuyên nhà đầu tư mua cổ phiếu.
 
Phiên giao dịch ngày 9/11, thị trường chứng khoán tiếp tục chìm trong sắc đỏ: Việt Nam-Index mất thêm 1,69% và HNX-Index mất tiếp 2,64%. Trong khi chuyên gia tư vấn lạc quan tếu (nhiều người cho rằng đó là kiểu độc mồm) thì nhà đầu tư bi quan bởi tình hình kinh tế không thuận lợi nên họ bán tháo cổ phiếu làm cho thị trường ngày càng bi thảm.

Thiệt hại vì theo tư vấn

Vào đầu quý III, khi thấy lạm phát ổn định ở mức thấp kéo dài nhiều tháng, nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam đang phát triển ổn định nên chứng khoán sẽ tăng dần đến cuối năm... Tin lời chuyên gia, nhiều người vét tiền đổ vào mua cổ phiếu với hy vọng khi doanh nghiệp công bố xong kết quả kinh doanh quý III thì sẽ bán ra để kiếm lời.

Thế nhưng, do tình hình kinh tế không thuận lợi, tỉ giá ngoại tệ, giá vàng tăng, lạm phát lên cao, lãi suất tín dụng không hạ, doanh nghiệp làm ăn ngày càng khó khăn nên giá cổ phiếu xuống dốc thê thảm. So với thời điểm hết tháng 6, hầu hết các mã cổ phiếu hiện đã mất giá từ 30% - 60% làm cho nhiều nhà đầu tư bị lỗ rất nặng.

Ông Trần Hào, một nhà đầu tư trên sàn SSI, cho biết: Trong các tháng 7 – 8, khi thấy lạm phát có chiều hướng giảm, Chính phủ tuyên bố hạ lãi suất tín dụng xuống 12%/năm... nhiều người tin vào sự phát triển ngày càng ổn định của nền kinh tế đất nước nên đổ tiền ra mua cổ phiếu để đầu tư trung và dài hạn. Thế nhưng, đến tháng 9 tình hình kinh tế bất ngờ đảo lộn nên giá cổ phiếu đi xuống thê thảm làm cho các nhà đầu tư bị chới với, sa lầy.

Khuyên mua... để bán?

Mặc dù thị trường chứng khoán ảm đạm kéo dài nhưng hằng ngày nhiều chuyên gia tài chính vẫn trơ trẽn tư vấn khuyên nhà đầu tư mua cổ phiếu. Chiêu độc mồm của các công ty chứng khoán đưa ra là khuyên mua vào cổ phiếu X hoặc Y, với giá kỳ vọng là K đồng. Mặc dù khuyên người khác như vậy nhưng chưa chắc công ty chứng khoán đã mua, thậm chí họ còn làm ngược lại, tức âm thầm bán ra cổ phiếu ngay sau đó.

Đơn cử, khi nhận định về cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát), Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) đã tuyên bố: Khung giá của HPG được xác định từ 49.500 – 55.000 đồng (tức cao hơn hiện nay khoảng từ 27% - 41%). Nghe qua, nhiều người ngây thơ tin rằng SBS sao mà giỏi thế, đoán trước được giá cổ phiếu trong tương lai gần.

Thế nhưng khi tìm hiểu kỹ mới biết mặc dù SBS nói như “thần”, và dù nắm trong tay vốn chủ sở hữu hiện tại là 1.500 tỉ đồng nhưng năm 2009 SBS chỉ lãi ròng 254 tỉ đồng, còn năm trước đó chỉ lãi 31 tỉ đồng và từ đầu năm đến nay chỉ lãi 70 tỉ đồng (quý III lỗ gần 50 tỉ đồng).

Còn Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) khuyên nhà đầu tư nên mua cổ phiếu CII (Công ty Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM) vì cuối năm 2010 giá mục tiêu (sẽ đạt tới) là 48.184 đồng.

Mặc dù có chỉ số cơ bản tốt nhưng trong mấy tháng qua, giá CII chỉ biến động trong khoảng 35.000 – 36.000 đồng, tức thấp hơn mức dự đoán từ 33% - 37%. Nếu biết trước như vậy phải chăng hiện tại VCBS (có vốn điều lệ 700 tỉ đồng – được tự doanh cổ phiếu) đang dốc vốn mua gom cổ phiếu CII để chờ đến hết năm bán ra thu siêu lợi nhuận?...

“Giá cổ phiếu thay đổi hằng ngày theo diễn biến cung – cầu, theo tâm lý thị trường, theo tình hình kinh tế vĩ mô, theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hoàng Hữu, một nhà đầu tư lâu năm, nói.

Thế nhưng các chuyên gia lại dự đoán giá cổ phiếu theo kiểu tư duy tuyến tính, toán học (đó là chưa kể họ cố tình... nói ngược), điều đó ngày càng đánh mất niềm tin đầu tư trên thị trường. Để tự vệ bản thân, nhà đầu tư cần phải nâng cao khả năng nhận định kinh tế, nghe lời tư vấn càng ít càng tốt, độc lập khi mua và bán cổ phiếu”.

Theo Trần Phú Minh
NLĐ