Từ thảm họa cháy Carina: Cháy nổ không chỉ "nóng" ở chung cư
(Dân trí) - "Cháy nổ không chỉ "nóng" tại chung cư. Không nơi nào an toàn nếu không có ý thức bảo đảm phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt gần đây các cơ sở kinh doanh có điều kiện như như vũ trường, quán bar, nhà hàng, bia club… cũng đang có nguy cơ cháy cao".
Đó là nhận định của đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM tại hội nghị ban hành ban hành chỉ thị 04 /CT-UBND(ngày 29-3-219) về triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn do UBND TPHCM tổ chức ngày 30/3.
Theo ông Tài, cháy nổ không chỉ "nóng" tại chung cư mà ở từng nơi, từng chỗ và sẽ không nơi nào an toàn nếu không có ý thức bảo đảm PCCC. Vì thế công tác đảm bảo PCCC phải luôn luôn thường trực. Đặc biệt gần đây các cơ sở kinh doanh có điều kiện như như vũ trường, quán bar, nhà hàng, bia club… cũng đang có nguy cơ cháy cao. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt thì doanh nghiệp sang tên, thay chủ liên tục nhằm đối phó.
"Cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát, xem lại kết cấu xây dựng đối với những cơ sở kinh doanh này nhằm kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn PCCC", đại tá Trần Đức Tài đề nghị.
Nhà phố không được lơ là PCCC
Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia nhận định, vụ thảm hoạ tại chung cư Carina Plaza là tiếng chuông báo động cho người dân, người mua nhà và những nhà đầu tư kinh doanh bất động sản. Hoả hoạn diễn biến khó lường, không chỉ xảy ra ở chung cư mà ở biệt thự, nhà phố... hay bất cứ nơi đâu nếu công tác PCCC bị xem nhẹ.
Theo Đại tá Đoàn Văn Chón, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, các vụ cháy gây thiệt hại về người xảy ra chủ yếu tại nhà ở hộ gia đình hoặc nhà ở kết hợp với kinh doanh sản xuất, chiếm đến 70%.
Đơn cử như mới đây, vụ hoả hoạn xảy ra ngày 26/3 tại nhà của anh Dương Đức Thảo (đường Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Điểm, Hóc Môn) khiến bé Dương Đức T (2, tuổi, con trai anh Thảo) tử vong. Khi xảy ra vụ cháy, anh Thảo còn trùm được khăn ướt lên người con để thoát khỏi đám cháy, thế nhưng vì sức quá yếu cháu bé đã tử vong sau đó tại bệnh viện. Căn nhà gia đình anh Thảo ở được anh sử dụng làm tiệm photocopy. Đêm xảy ra vụ cháy, tất cả 5 người trong gia đình anh bị bủa vây trong lửa, nhưng chỉ bốn người thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Toàn bộ tài sản, vật dụng trong gia đình đều bị thiêu rụi.
Cũng cho đến tận bây giờ, người dân trên đường tỉnh lộ 10 (khu phố 1, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) vẫn chưa thôi ám ảnh về vụ cháy thương tâm xảy ra tại căn nhà số 1686 được sử dụng làm kinh doanh trại hòm. Theo đó, vào 0 giờ 30 phút ngày 12/3/2017, căn nhà phát hỏa, lúc này bên trong căn nhà có 4 người đang kêu cứu. 30 phút sau khi đám cháy được cơ quan chức năng dập tắt thì cả 4 người đã tử vong cùng ba chiếc xe máy và căn nhà bị thiêu rụi.
Tại quận 8, vụ cháy tại căn nhà số 12 (đường số 7, phường 4, quận 8) ngày 6/9/2017 cũng đã cướp đi sinh mạng của 2 con người, 6 người may mắn thoát chết, nhưng người thì sống trong tật nguyền, người bị ám ảnh cả đời bởi vụ cháy. Toàn bộ tài sản tích góp cả đời của một gia đình bị thiêu rụi trong chốc lát.
"Bêu" tên chung cư không an toàn PCCC
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.
Đặc biệt ngày 23/3 vừa qua đã xảy ra vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại Chung cư Carina Plaza làm chết 13 người và 51 người bị thương, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và gây bất an đối với người dân đang sinh sống trong các chung cư, nhà cao tầng.
Đại tá Đoàn Văn Chón cho rằng, tình hình cháy nổ tại TPHCM còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, người đứng đầu nhiều doanh nghiệp, cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ. Một số chung cư cao tầng chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã "lùa" người dân vào sinh sống.
Đối với nhà phố, các hộ gia đình vừa sử dụng nhà ở vừa kinh doanh nhưng không quan tâm, tham gia các buổi tập huấn, phổ biến kiến thức PCCC, nhất là các phương án thoát nạn trong đám cháy do cảnh sát PCCC tổ chức. Do đó, hậu quả về người ở các vụ cháy nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh thường rất nghiêm trọng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, một số chủ đầu tư, Ban Quản trị chung cư, đơn vị quản lý vận hành chung cư chưa làm đầy đủ trách nhiệm trong công tác thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì hệ thống PCCC để đảm bảo vận hành bình thường, đúng công suất theo thiết kế đã được thẩm duyệt, nhất là các trường hợp đã được cơ quan PCCC kiểm tra, lập biên bản khuyến nghị, yêu cầu, như trường hợp chung cư Carina Plaza.
"Cơ quan Cảnh sát PCCC có quyền kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ hoặc bất thường đối với nhà chung cư. Nhưng trên thực tế, công tác này có thể đã chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhất là khâu hậu kiểm đối với chủ đầu tư trong việc chấp hành khuyến nghị, yêu cầu của Cảnh sát PCCC sau khi kiểm tra", ông Châu nói.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TPHCM cho biết, quan điểm của thành phố là nhà đầu tư nào, dự án nào không an toàn sẽ được nêu công khai. Nhưng phải có tổng kiểm tra, rà soát kỹ, tránh làm cho người dân hoang mang, lo lắng. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường chế tài, nâng mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp chủ đầu tư cho sử dụng công trình khi chưa được nghiệm thu, hoàn công về PCCC và xây dựng.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch tập đoàn Hưng Thịnh tặng 1 triệu USD, tương đương 23 tỷ đồng, cho lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM để mua sắm vật dụng cần thiết nhất trong công tác PCCC. Đây là thiện ý của tập đoàn Hưng Thịnh nhằm chung tay góp sức với công tác PCCC của thành phố để đảm bảo cho người dân có cuộc sống an bình, hạnh phúc hơn.
Trước đó, tại Giải vô địch U23 châu Á 2018, Hưng Thịnh tài trợ 5 tỷ đồng nhằm mục đích làm ngân quỹ cho công tác đào tạo tài năng trẻ và chi phí cho các huấn luyện viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ngoài ra, tập đoàn này còn tặng 2 tỷ đồng cho đội tuyển U23 Việt Nam.
Công Quang