Tụ tập, gây rối ở Bình Thuận: Môi trường đầu tư bị ảnh hưởng ra sao?
"Những hành động quá khích, gây rối xảy ra ở một số nơi, đặc biệt là Bình Thuận dù vô tình hay hữu ý sẽ làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với sự ổn định của môi trường đầu tư VN".
Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế khi trao đổi với Dân Việt xung quanh những vụ việc người dân ở nhiều tỉnh tham gia tụ tập đông người, có hành động quá khích trong những ngày vừa qua.
Mấy ngày qua, lấy lý do Luật về đặc khu kinh tế có những quy định chưa phù hợp, ở nhiều tỉnh thành, người dân đã tụ tập đông người, xuống đường tuần hành, phản đối. Một số phần tử quá khích đã tấn công, đập phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, đốt xe.... gây thiệt hại lớn, tạo ra sự bất ổn.
Đáng chú ý, từ 11h trưa nay (11.6), một đám đông tiếp tục tụ tập trên quốc lộ 1, đoạn ngã 3 Cầu Nam, thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong, Bình Thuận. Những người này chặn xe, ném đá, tấn công lực lượng công an.
Sự quá khích của một số đối tượng khiến tình hình nhiều nơi hỗn loạn, nhiều người lo ngại sẽ có tác động xấu đến sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt xung quanh vấn đề này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho rằng: Quyền biển hiện chính kiến của người dân ở một số nước trên thế giới là chuyện bình thường nhưng phải nằm trong khuôn khổ, phạm vi cho phép và vì lợi ích của cộng đồng, lợi ích của quốc gia.
"Việc tham gia tuần hành, phản đối cũng phải nằm trong giới hạn của pháp luật cho phép, còn tình trạng một số người, nhóm người có hiện tượng mượn cớ tụ tập, tuần hành để kích động người dân đập phá tài sản công, chống lại người thi hành công vụ, gây ách tắc giao thông, làm ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội... ở một số nơi trong những ngày qua là đã vi phạm pháp luật", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
“Hành động quá khích của người dân, gây rối an ninh trật tự vô tình đã làm giảm lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài về an ninh chính trị, trật tự xã hội mà chúng ta đã dày công vun đắp”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói
Ông Thịnh cũng cho rằng, việc tấn công lực lượng công an, đập phá trụ sở UBND, đốt xe... là những hành động không thể chấp nhận. Người dân cần hiểu biết cho đúng quyền lợi của mình để khi thể hiến chính kiến cũng phải hướng tới mục tiêu là có trách nhiệm với đất nước. Việc đập phá tài sản công là đã vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến tài sản của Nhà nước. “Theo tôi, những hành động quá khích của một số người dân chắc chắn có những người hoặc nhóm người xúi giục ở đằng sau. Vì họ hành động bài bản, có tổ chức, những người dân thiếu hiểu biết vô tình đã bị kích động trong khi bản thân họ cũng chưa hiểu hết 2 dự thảo Luật là Luật về đặc khu và Luật An ninh mạng”, ông Thịnh nói.
Dưới góc độ kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, những hành động quá khích, gây rối an ninh trật tự xảy ra gần đây dù vô tình hay hữu ý sẽ làm giảm lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ cảm thấy bất an và họ sẽ phải giảm đầu tư vào Việt Nam, từ đó cũng dẫn tới việc làm ít đi, đời sống của người dân cũng khó khăn hơn.
“Tôi mong rằng người dân cần hiểu biết đầy đủ hơn, đúng đắn hơn và khi biểu hiệu chính kiến với cơ quan lập pháp, hành pháp về các dự thảo luật đang được lấy ý kiến rộng rãi. Thực tế cho thấy, những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và người dân đã được Chính phủ lắng nghe nên đã có thông báo lùi thời hạn thông qua Dự thảo Luật Đặc khu trước đó. Do đó, người dân cần tỉnh táo, tránh bị xúi giục, kích động của các phần tử xấu, gây tổn hại trước tiên là tới bản thân và tổn hại tới lợi ích chung của cộng đồng, của quốc gia”, ông Thịnh nhấn mạnh.
TS. Lê Đăng Doanh (Ảnh: IT)
Cùng chung nhận định trên, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: Việc bày tỏ thái độ của người dân đối với Dự thảo Luật Đặc khu và Dự thảo Luật An ninh mạng là việc làm hết sức bình thường. Việc tụ tập phản ánh chính kiến ôn hòa cũng đã được ghi trong Hiến pháp và hiện các nước họ cũng thực hiện biểu tình ôn hòa thường xuyên. Tuy nhiên, đúng là trong những ngày qua ở nhiều nơi đã có tình trạng lợi dụng biểu tình để kích động, xúi giục người dân có những biểu hiện quá khích, đập phá tài sản của Nhà nước.
"Dù là thiếu hiểu biết hay bị xúi giục, kích động thì cũng là hành vi đáng lên án, hành vi vi phạm pháp luật. Tất nhiên, ở một số nơi cũng cần phải xem xét mối quan hệ giữa 2 bên, cả từ người dân và chính quyền địa phương. Khi có mâu thuẫn thì cần có đối thoại, giải thích cho người dân hiểu chưa để rút kinh nghiệm cả 2 bên", TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Theo ông Doanh nhận định, các hiện tượng này ít nhiều sẽ có ảnh hưởng không tốt đối với môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.
"Tụ tập đông người hay kích động thì cũng chỉ một vài ngày rồi sẽ qua đi, ai lại về nhà đó. Tuy nhiên, qua những vụ việc này tôi nghĩ Luật Biểu tình cũng cần sớm được thông qua để cả người dân và cơ quan chức năng có căn cứ tuân thủ theo quy định của pháp luật khi biểu tình và xử lý các phần tử mượn cớ biểu tình xúi giục, kích động người dân quá khích”, ông Doanh nói.
Theo Phi Long
Dân Việt