TS Vũ Thành Tự Anh: "Năm nào kết thúc bằng số 9, kinh tế Việt Nam lại có trục trặc"

(Dân trí) - Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng cao nhưng khi thực hiện thì lưng chừng khiến mọi thứ cũng chỉ ở mức lưng chừng. Do đó cứ sau 10 năm, Việt Nam lại chịu bất ổn vĩ mô xảy ra một lần, năm nào kết thúc bằng số 9, nền kinh tế lại có trục trặc do nền tảng tăng trưởng vĩ mô có vấn đề.

Đây là đánh giá của TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng khi thảo luận về nền tảng tăng trưởng Việt Nam trung và dài hạn tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 diễn ra tại Hà Nội ngày 11/1.

TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém của nền kinh tế hiện nay
TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém của nền kinh tế hiện nay

So sánh với tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc với các nền kinh tế Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, TS Tự Anh dẫn chứng: Các nền kinh tế Đông Bắc Á thường duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn, còn các nước Đông Nam Á thường chỉ tăng trưởng cao trong ngắn hạn.

“Hàn Quốc có 30 năm tăng trưởng cao 10%, từ đó họ đã đưa thu nhập bình quân trên người từ nước nhập trung bình sang nền kinh tế thu nhập cao. Các nền kinh tế Đông Nam Á chỉ tăng trưởng cao trong 10 năm đến 14 năm. Việt Nam cũng chỉ duy trì tăng trưởng cao trong vòng 14 năm. Nếu không tìm ra nguyên nhân và cải thiện, chúng ta khó có thể đuổi kịp các nước đi trước”.

Theo ông Tự Anh, nhìn vào các điều kiện giúp duy trì tăng trưởng cao, Việt Nam đều hội tụ như: Hội nhập sâu rộng, nền kinh tế ổn định, tiết kiệm đầu tư cao, Chính phủ đạt được niềm tin từ các nhà đầu tư và hệ quả từ dòng vốn đầu tư giáo dục, y tế...

Tuy nhiên, các chỉ tiêu Việt Nam chỉ thực hiện ở mức lưng chừng, nền kinh tế phụ thuộc FDI, hội nhập nhưng khai thác kém hiệu quả các thị trường, nhiều can thiệp từ bàn tay Nhà nước vào thị trường giá cả, điện, tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên....

“Việt Nam không đi hết con đường, không làm tới nơi tới chốn nền kinh tế thị trường nên kết quả cũng lưng chừng. Vì thế cứ sau 10 năm Việt Nam lại gặp bất ổn về kinh tế vĩ mô”, ông Tự Anh nói.

TS Tự Anh nêu ví dụ: “Cứ năm nào kết thúc bằng số 9 thì nền kinh tế Việt Nam lại có trục trặc. Điều này không phải tôi duy tâm, mà đây là chu kỳ của nền kinh tế Việt Nam, lý do là nền tảng và nguồn lực tăng trưởng của Việt Nam đang có vấn đề. Dẫn chứng cụ thể là các bất ổn đã xảy ra trong các năm 1979, năm 1989, năm 1999 và gần nhất năm 2009”.

Ông này cho rằng: Việt Nam có chu kỳ tăng trưởng cao nhưng ngắn hạn, đơn cử năm 1994, tăng trưởng GDP đạt đỉnh 9%, năm 2004 là 8%, nhưng đến nay 6,8% đã là thành tựu rồi. Rõ ràng nguồn lực cho tăng trưởng đã đến giới hạn.

Trong khi đó, thách thức lớn về năng suất đang ngày càng đè nặng lên Việt Nam, nếu duy trì tăng trưởng cao dài hạn thì năng suất phải cao, nhưng ngược lại chúng ta có năng suất ngày càng thấp so với khu vực. Trong khi đó, diễn biến nhân khẩu học khiến chúng ta lo ngại vì cơ hội dân số vàng đang trôi qua, trước đây tỷ suất tăng dân số 2% nay chỉ còn 0,8%.

Về tận dụng Cách mạng công nghệ 4.0, ông Thành nói: “Nếu chúng ta nhìn vào những chỉ tiêu rất quan trọng như: Năng lực sáng tạo, tiếp thu công nghệ, sự phù hợp công nghệ với quản trị và nhân lực ở Việt Nam đều có vấn đề, Việt Nam chưa chuẩn bị và tận dụng được Cách mạng 4.0”.

Về các vấn đề của kinh tế vĩ mô, ông Tự Anh thẳng thắn nhìn nhận một loạt thách thức: Trong trung hạn, không gian tài khoán của Việt Nam đang bị thu hẹp. Trong 5 năm gần đây thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ; đầu tư 1 đồng là phải vay và nợ. Vòng xoáy đi xuống nếu không được cải thiện sẽ khiến thâm hụt ngân sách và nợ công cao.

Đại diện của Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ: Nền kinh tế chúng ta đang có sự mở cửa rất nhanh nhưng khả năng hưởng lợi và tận dụng thấp. Việt Nam đang có sự chia tách nền kinh tế ra thành hai khu vực FDI và khu vực trong nước, trong đó các DN nội đang chịu chi phí kinh doanh cao, bất bình đẳng trong tiếp cận tín dụng.

“Chúng ta thấy cơ hội dân số vàng của Việt Nam đang vụt qua tay mà không nắm được, chúng ta đang bước sang "phần bên kia" của cơ hội dân số vàng. Các ngành, lĩnh vực đầu tư tạo giá trị gia tăng nhỏ cho nền kinh tế như chế tạo, chế biến cũng sẽ sớm không thuộc về Việt Nam khi chi phí sản xuất cao và bị thay thế bởi robot. Chúng ta chỉ còn thời gian 15 năm để có thể tận dụng thời cơ cơ cấu dân số vàng, ngay lúc này phải có quyết sách thay đổi căn cơ nền tảng tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Tự Anh nói.

Nguyễn Tuyền

TS Vũ Thành Tự Anh: "Năm nào kết thúc bằng số 9, kinh tế Việt Nam lại có trục trặc" - 2