TS. Võ Trí Thành: “Ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chưa có gì chắc chắn”
Công ty Tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG) mới đây đã công bố báo cáo về Việt Nam dựa trên Bộ công cụ Đánh giá phát triển kinh tế bền vững (SEDA). TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương nói gì về báo cáo này ?
Theo BCG, Việt Nam hiện nay có chỉ số GDP đầu người (dựa trên cân bằng sức mua PPP) chỉ đạt 5.200 USD nhưng người dân có khả năng đạt chất lượng sống ngang bằng với các quốc gia có GDP tính theo đầu người trung bình đạt 10.000 USD…Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), những đánh gía của BCG là có cơ sở.
Ông đánh giá thế nào về các kết quả nghiên cứu của BCG về mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam hiện nay, so với các nước có thu nhập gấp đôi ở Việt Nam như báo cáo này nêu? Liệu những đánh giá này có lạc quan quá không?
-Khuôn khổ tính của BCG đã kết hợp 3 nhóm yếu tố cơ bản nhất là thu nhập, việc làm ổn định; đầu tư gắn với dịch vụ cần cho phát triển con người như y tế, giáo dục và kết cấu hạ tầng; bền vững có môi trường, gắn kết xã hội, quản trị nhà nước… Họ cũng nhìn nhận khá toàn diện để xét chất lượng sống liên quan đến thu nhập, việc làm, môi trường xã hội, môi trường tự nhiên, thể chế của nhà nước liên quan đến những vấn đề cơ bản như dịch vụ, y tế, giáo dục.
Đây là phân tích tương đối tổng thể và phù hợp với cách nhìn chất lượng cuộc sống hiện nay. Với cách này BCG so Việt Nam với thế giới và so với mức trung bình các nước đạt sức mua tương đương.
Tuy nhiên, sẽ thực sự đầy đủ khi ở nhóm nhân tố thứ 2 tức là đầu tư cho giáo dục y tế và kết cấu hạ tầng, BCGcần nhìn sâu hơn nữa ở góc độ thực chất của vấn đề như đầu tư hiệu quả không, khả năng tiếp cận giáo dục, trình độ giáo dục và tay nghề kỹ năng phản ánh thực chứ không chỉ là khả năng, năng lực của con người. .
Tất nhiên, mỗi bộ chỉ số đều có những điểm mạnh, điểm yếu nhất định, tôi lấy ví dụ có bộ chỉ số cho rằng với năng lực của ngươi Việt, khả năng đổi mới sáng tạo mặc dù còn yếu nhưng thu nhập bình quân đầu người theo danh nghĩa của Việt Nam không phải hơn 2.000 USD mà có thể đạt 5.000-6.000 USD.
Theo ông, những yếu kém về chất lượng lao động, giáo dục, cơ sở hạ tầng quá tải, trình độ quản trị nhà nước thấp hơn rất nhiều so với các nước nhóm ASEAN 4, doanh nghiệp chi trả nhiều chi phí không chính thức... mà BCG nhận xét và có khuyến cáo như vậy có thể coi là những cản trở lớn nhất cho quá trình phát triển của Việt Nam trong thời gian tới chưa hay những điểm yếu đó vẫn là chưa đầy đủ?
Đánh giá của BCG không chỉ nhìn một bề mà nhìn cả khía cạnh quan trọng hơn là nhìn về tương lai. Trong chiến lược 2035 cũng đặt ra các vấn đề với ba trụ cột: kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và quản trị nhà nước nhìn rộng hơn là vấn đề thể chế.
BCG đã chỉ ra được ba vấn đề gai góc, thách thức, khó khăn đối với Việt Nam nếu Việt Nam muốn duy trì kết quả đã đạt được và muốn tốt hơn khi so sánh với thế giới, khu vực mà cụ thể hơn là ASEAN 4 nhất là về quản trị nhà nước để thấy khoảng cách của Việt Nam tụt lại phía sau xa.
Nhìn nhận về tương lai, bản Báo cáo 2035 của Việt Nam mới được công bố vừa qua có cái nhìn đẩy đủ hơn khi đề cập đến những cải cách mang tính đột phá tạo ra chuyển đổi trên 6 lĩnh vực cơ bản nhất trong đó có ba trụ cột: kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và quản trị nhà nước nhìn rộng hơn là vấn đề thể chế như đã được BCG bàn tới
Các chuyên gia của BCG cũng cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kế hoạch tăng trưởng bình quân 6,5 – 7% trong 5 năm tới, nhưng phải giải quyết nhiều khó khăn như nâng cao năng lực cho thị trường lao động, tập trung nguôn lực vào việc xây dựng các khu công nghiệp tầm cỡ quốc gia để có thể nâng tầm chất lượng nền công nghiệp. Ông nghĩ sao về sự lạc quan này khi mà vừa mới đây chính phủ Việt Nam công bố tốc độ tăng trưởng GDP bình quân chỉ đạt 5,9%/năm, thấp hơn 5 năm trước? và chưa đạt mục tiêu đề ra (6,5-7%). Kế hoạch tăng trưởng bình quân 6.5- 7% trong 5 năm tới liệu có khả quan hay không?
Nếu chúng ta không có những sai lầm trong điều hành chính sách vĩ mô giai đoạn 5 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nếu từ 2006-2010 không có “hứng khởi quá đà”, đổ xô vào tăng trưởng gắn với nhiều hoạt động mang tính đầu cơ, thiếu đi quan tâm ổn định kinh tê vĩ mô, chất lượng tăng trưởng, nếu không có những tác động bên ngoài như cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ… chúng ta đã không phải đi xử lý những vấn đề rất nghiêm trọng đặt ra trong 5 năm.
Phải ổn định kinh tế vĩ mô, dần tạo ra động lực tăng trưởng mới, phân bổ nguồn lực, tái cấu trúc nền kinh tế. Nếu quan tâm đến điều đó từ đầu đã không mất 5 năm và không những không mất 5 năm mà 5 năm vừa qua tăng trưởng cũng đỡ trầy trật hơn.
Khi chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian nhất định phải có đánh đổi tăng trưởng suy giảm, tăng trưởng trong 2 năm gần đây phục hồi hơn cũng có thể coi là chấp nhận được.
Tuy nhiên, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chưa có gì chắc chắn trong tình hình ngân sách, nợ công hiện nay, hệ thống tài chính ngân hàng cũng chưa trở nên lành mạnh, nợ xấu vẫn còn đó.
Tái cấu trúc tổng thể đi được nửa đường và trong bối cảnh kinh tế thế giới quá trình hồi phục khó khăn mà kinh tế Việt Nam có mối tương tác quan hệ khá rõ ràng với biến động kinh tế thế giới chính vì vậy đặt mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tới 6,5-7% nhiều dự báo không chỉ năm nay việc đạt mục tiêu tăng trưởng trên vẫn có thể được nhưng khó khăn hơn.
Nếu 5 năm tới tăng trưởng quá thấp có lẽ cũng bỏ lỡ cơ hội. Tôi cho rằng trên dưới 6,5% và được 7% là tốt nhưng quan trọng sau đó là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc lĩnh vực quan trọng chưa nói còn đẩy nhanh vào 2 lĩnh vực khó mà phải làm là đào tạo giáo dục và khu vực nông nghiệp.
Gắn kết toàn bộ quá trình cải cách phát triển với hội nhập, câu chuyện này cho rằng không nên đặt quá cao, với tốc độ tăng trưởng như đề ra là thích hợp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Anh (thực hiện