1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TS Nguyễn Trí Hiếu: “Năm 2017 cơ hội có nhưng thử thách có lẽ nhiều hơn”

(Dân trí) - Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, luôn luôn có thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam vì Việt Nam đang trong đà tăng, GDP tăng trưởng cao hơn các quốc gia khác do xuất phát điểm của Việt Nam thấp. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho biết, cơ hội có nhưng thử thách có lẽ nhiều hơn trong năm 2017.


TS Nguyễn Trí Hiếu: Năm 2017, thử thách với nền kinh tế sẽ nhiều hơn

TS Nguyễn Trí Hiếu: "Năm 2017, thử thách với nền kinh tế sẽ nhiều hơn"

Trao đổi với Dân trí, dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2017, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, luôn luôn có thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam vì Việt Nam đang trong đà tăng, GDP tăng trưởng cao hơn các quốc gia khác do xuất phát điểm thấp.

Ông Hiếu ví nền kinh tế Việt Nam giống như đứa trẻ và đứa trẻ không thể nào phát triển chậm hơn người lớn. “Mình đang là đứa trẻ tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn nhưng đừng xem đây như điều quá tốt đẹp vì cơ thể còn trẻ, nhanh là đúng và cơ hội rất nhiều, còn mở mang phát triển kinh tế nội bộ, có quan hệ với thị trường mới mở…”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, thuận lợi có thuận lợi nhưng kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thử thách trong năm 2017, thậm chí có thể đi vào thời kỳ kinh tế trì trệ, thể hiện ra ở tăng trưởng GDP. “Tăng trưởng GDP từ những năm 2012-2015 đều tăng đều đặn, năm sau lớn hơn năm trước về % tăng trưởng. Tuy nhiên, năm 2015 tăng trưởng đạt 6,68% sau đó 2016 tăng trưởng đạt 6,3% nên 2017 nếu không cẩn thận sẽ theo đà 2016 và đi vào chu kỳ tăng trưởng thấp”, vị chuyên gia đưa ra cảnh báo.

Ông Hiếu cũng cho biết, việc Chính phủ đưa ra 2 mục tiêu vĩ mô tăng trưởng GDP 6,7% và lạm phát 4%, đây là thách thức lớn vì vừa ổn định kinh tế vừa kiểm soát lạm phát nhưng lại muốn đẩy mạnh tăng trưởng.

“Hai mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát thường không bổ sung, thậm chí xung đột trong ngắn hạn. Muốn tăng trưởng chấp nhận lạm phát cao, đẩy tiền vào lưu thông, về ngắn hạn nếu muốn đạt cả 2 sẽ rất khó. Làm sao giữ được ổn định trong khi tăng trưởng mức cao, cao hơn 2016”, ông Hiếu đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho biết, những thử thách Việt Nam phải đối diện trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đi vào chính sách bảo hộ mậu dịch một cách cực đoan, hạn chế nhập khẩu hàng nước ngoài trong đó có Việt Nam, trong khi Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ, nếu Mỹ có động thái giới hạn xuất khẩu chắc chắn kinh tế Việt Nam hứng chịu hậu quả lớn.

Ngoài ra, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, giá trị đồng USD tăng lên và nếu neo Việt Nam đồng với USD mà không phá giá, hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng vì tiền đồng theo giá trị đồng USD tăng lên, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang nước ngoài sẽ đắt đỏ hơn, chính vì vậy để hỗ trợ xuất khẩu có thể xem xét điều chỉnh tỷ giá phù hợp.

“Vấn đề lãi suất, nếu năm nay có áp lực điều chỉnh tỷ giá có nguy cơ sự chuyển dịch vốn huy động từ tiền đồng sang USD. Trước đây, tạo sự chệnh lệch giữa tiền đồng và USD, lãi suất gửi USD bằng 0%, nếu giờ tỷ giá tăng lên có thể người ta tìm cách rút tiền đồng bỏ vào USD chờ đợi cơ hội tỷ giá tăng bán đi lấy lời”, ông Hiếu cho hay.

“Năm nay chính sách tiền tệ đối diện nhiều thử thách khó khăn. Cơ hội có nhưng thử thách có lẽ còn nhiều hơn năm 2017”, ông Hiếu dự báo.

Cùng chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát trong năm 2017, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tỏ ra tự tin hơn. Tuy nhiên, theo ông Hồ, giá vật tư nguyên liệu tăng, cung tín dụng chủ yếu trái phiếu chính phủ xã hội hoá phối hợp vào như vậy lãi suất muốn giảm cũng khó khăn, tỷ giá cũng khó khăn… nên phải đồng bộ mới thực hiện được mục tiêu lạm phát 4%.

“Mặt khác theo cách nhìn của tôi chúng ta đã có kinh nghiệm chống lạm phát nên tôi không lo lắng lắm. Lâu nay, chúng ta nhăm nhăm vào việc tăng trưởng, đẩy vốn ra nhiều hơn, từ 2016 đến 2017 cố gắng cương quyết thực hiện không dựa vào vốn một cách không tính toán lắm, nâng cao hiệu quả đầu tư gắn với kiểm soát tài chính, ngân sách”, ông Lưu Bích Hồ chia sẻ.

Anh Thư