1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TS Lưu Bích Hồ: “Cần thận trọng hơn với vấn đề nợ của nền kinh tế”

(Dân trí) - Chuyên gia TS Lưu Bích Hồ cho rằng, không chỉ có hơn 60% nợ công mà nợ của chúng ta còn bao gồm cả nợ của doanh nghiệp, người dân, được xem là nợ quốc gia.

TS Lưu Bích Hồ:  “Cần thận trọng hơn với vấn đề nợ của nền kinh tế” - Ảnh 1.

TS Lưu Bích Hồ cho rằng, bức tranh nền kinh tế vẫn còn nhiều "tảng băng chìm".

  Phát biểu tại toạ đàm về triển vọng nền kinh tế diễn ra sáng ngày 19/12, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng: "Vẫn còn một số vấn đề lớn. Tất cả những gì xuất hiện trước mắt là phần nổi của tảng băng chìm, dù đã có nhiều điểm sáng mới”. 

 Theo TS Lưu Bích Hồ, năm 2018, chúng ta đã thực hiện tái cơ cấu kinh tế thực chất hơn, nhưng chưa đủ. Ông cho rằng, nếu không tiếp tục tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất hơn, toàn diện hơn thì sẽ không có nền tảng vững chắc cho tăng trưởng. 

 “Gần đây, có đánh giá của một tổ chức quốc tế là chất lượng nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 48/149 quốc gia và nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng cũng khá. Nhưng tôi thấy không hoàn toàn đúng về nền tảng tăng trưởng. Một số tổ chức nước ngoài họ hay khen chúng ta quá mức nữa”, ông Hồ nói. 

 Vị chuyên gia cũng thẳng thắn: "Chúng ta xếp hàng đầu về độ mở trong những nước có 50 triệu dân trở lên, trong đó kinh tế FDI chiếm trên 70% xuất khẩu thì chúng ta làm được bao nhiêu”. 

Về nợ, chúng ta đang sống và làm ăn trên một núi nợ, không chỉ có hơn 60% nợ công / GDP, mà nợ của chúng ta bao gồm cả nợ của doanh nghiệp, người dân, được xem là nợ quốc gia, nợ của cả nền kinh tế rất lớn. “Cần thận trọng hơn với vấn đề nợ của nền kinh tế. Sống trên núi nợ thì phải tính làm ăn ra sao đây?”, ông Hồ nói.

Phát biểu thảo luận tại buổi Tọa đàm, TS. Ngô Trí Long cho rằng, chúng ta cần phải đi vào bản chất, không đi vào số lượng, phải đi vào chất lượng.

"Ngay bội chi ngân sách, do cách tính khác nhau nên bội chi giảm. Độ mở nền kinh tế cũng chúng ta là trên 200%, cao nhất thế giới nên tác động khó dự báo từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện, năng suất lao động thấp, cạnh tranh còn yếu, phụ thuộc vào nước ngoài. Tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tăng trưởng tín dụng", ông Long nói.

Ông Long đánh giá, mặc dù thu ngân sách năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, nhưng chi cũng nhiều. Ông cũng đặt câu hỏi về sức bật của nền kinh tế, thay đổi đột phá chiến lược và cải cách phát triển về hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực...

"Hai động lực mới là phát triển kinh tế tư nhân và cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng quan điểm của chúng ta vẫn mơ hồ về cách mạng 4.0, trong đó có những loại hình kinh tế mới, khi ra đời mâu thuẫn với kinh doanh truyền thống, làm sao để vận dụng linh hoạt, phù hợp nhằm tạo ra sức bật cho nền kinh tế", ông Long nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa thì cho rằng, sự dịch chuyển cấu trúc nền kinh tế chưa có tiến bộ nào đáng kể. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa bắt đầu thực hiện từ năm 1995 theo hướng dịch chuyển nền kinh tế theo hướng công nghiệp nhưng xét về tăng trưởng GDP, chế biến chế tạo không thay đổi, hàm lượng nước ngoài trong công nghiệp chiếm quá nửa.

"20 năm qua Việt Nam không có được một sản phẩm chế tạo nào thực sự. Vốn dành cho lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp so với dịch vụ là 50 – 50. Đến thời điểm này dịch chuyển theo tỷ lệ 40 - 60. Giá trị gia tăng trên 1 lao động của nông nghiệp vẫn đang tăng lên, trong khi khu vực công nghiệp lại giảm. Đặc biệt từ năm 2008 khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI tốc độ giảm nhiều hơn", ông nói.

Vị chuyên gia chỉ ra rằng, những con số trên cho thấy, kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng dịch vụ thay vì hướng công nghiệp hóa như mục tiêu.

"Tuy nhiên, đây lại được xem là tín hiệu tích cực bởi thực tế tại 25 nước phát triển đều nằm trong xu hướng này. Theo tôi, chúng ta nên nghiên cứu phát triển kinh tế hướng này bởi thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch, đây cũng sẽ là sức bật cho nền kinh tế trong năm tới 2019", ông nói và dự báo, GDP năm 2019 sẽ tương đương với kết quả đạt được trong năm 2018. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi kinh tế sẽ tăng trưởng khó khăn hơn.

Phương Dung

TS Lưu Bích Hồ:  “Cần thận trọng hơn với vấn đề nợ của nền kinh tế” - Ảnh 2.