TS Lê Đăng Doanh: "Phá sản không phải là ngày tận thế"

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh đề xuất Nhà nước nên lập quỹ mua nợ xấu của một số doanh nghiệp để tạo cơ hội cho doanh nghiệp tái hoạt động. Khi doanh nghiệp phục hồi, Nhà nước sẽ bán lại cổ phần của mình và thu lãi.

TS Lê Đăng Doanh: Phá sản không phải là ngày tận thế
TS Lê Đăng Doanh (ảnh: B.D).

Trong bối cảnh gần 12.000 doanh nghiệp đăng ký phá sản và xin ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm, nhiều lo ngại đã xuất hiện về “tình trạng sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế.

Phá sản là một sự tàn phá sáng tạo

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nói: “Trong số những doanh nghiệp giải thể vừa qua, có những doanh nghiệp là “chết” chính đáng và nên “chết” đi, bởi những doanh nghiệp này kinh doanh “vung tay quá trán”, kinh doanh trên những lĩnh vực mà mình không có độ chuyên nghiệp. Thấy người ta làm là nhảy vào làm mà không có bài bản gì cả.”

Ông “cắt nghĩa”, trong kinh tế học, phá sản là một sự tàn phá sáng tạo. Tức là, từ nhà máy, thiết bị cho đến người lao động vẫn còn, chỉ có ông chủ là thay đổi, giỏi hơn, nhiều vốn hơn. Việc “thay ngôi đổi chủ” sẽ giúp doanh nghiệp khôi phục lại và phát triển.

Vì vậy, theo ông, phá sản không phải là ngày tận thế mà phải nhìn nhận đó là cơ hội để vươn lên.

Cũng theo ông Doanh, con số doanh nghiệp báo ngừng hoạt động được Bộ Kế hoạch Đầu tư cung cấp dù lớn nhưng vẫn thấp hơn so con số mà các cơ quan thuế đưa ra.

Điểm yếu kém của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, theo TS Lê Đăng Doanh đó chính là tính chuyên nghiệp còn rất thấp: kinh doanh không có chiến lược, không có cơ sở tài chính, đầu tư không đúng nơi đúng chỗ…

Sở dĩ có số doanh nghiệp khổng lồ tồn tại hiện nay, ông Doanh cho biết, đó là từ tình trạng đăng ký tràn lan kể từ sau gia nhập WTO, với những hỗ trợ lớn, những cơ hội lớn từ thị trường. Tuy nhiên, do thiếu chiến lược kinh doanh và thiếu độ chuyên nghiệp, nên lúc thị trường khó khăn như hiện tại, thì rất nhiều doanh nghiệp trong số này không trụ nổi.

“Muôn ngàn kế” cứu doanh nghiệp khỏi khó khăn

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả nhưng nay đang gặp khó khăn do sức mua giảm, tồn kho lớn và không ký kết được hợp đồng xuất khẩu. Theo ông, đối với những doanh nghiệp như vậy thì Chính phủ cũng như các ngân hàng nên có sự phân định lại và xem xét.  Cùng với việc tiết giảm chi tiêu công, tín dụng thì theo khuyến nghị của ông, còn phải cần giãn, giảm thu các loại thuế, phí và quản lý giá để doanh nghiệp có điều kiện vượt qua khó khăn.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cũng lưu ý rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp về vốn mà chỉ để “nuôi” lượng hàng tồn kho thì tình hình cũng không được giải quyết. Mà ở đây, có một điểm đáng lưu ý là Chính phủ đã có chủ trương xây dựng đường sá bằng bê tông để tiêu thụ bớt số xi măng và sắt thép mà các doanh nghiệp sản xuất ra để hàng tồn kho giảm đi. “Tôi cho rằng việc xem xét như vậy nên áp dụng với một số sản phẩm khác nữa”, ông nói.

Cùng với đó, ông đề xuất, Chính phủ nên sớm lập quỹ mua lại các khoản nợ xấu cho các doanh nghiệp trong khoảng từ 2 đến 3 năm, vì nếu doanh nghiệp nợ nhiều và nợ quá hạn thì ngân hàng sẽ không dám tiếp tục cho vay.

“Kinh nghiệm ở các nước là Chính phủ lên danh sách, mua lại nợ xấu của một số doanh nghiệp, giải quyết số nợ đó đi để doanh nghiệp lại được vay vốn, được hoạt động bình thường. Như vậy, Chính phủ có cổ phần tại các doanh nghiệp này, có đại diện để giám sát. Khi doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, Chính phủ sẽ bán lại cổ phần của mình và thu hồi vốn. Ở Mỹ họ đã làm như vậy và Chính phủ lãi chứ không hề lỗ.”

Tuy nhiên ông cũng lưu ý rằng, việc ứng tiền để cứu doanh nghiệp là một hành động đòi hỏi kỹ năng và tính chuyên nghiệp, dĩ nhiên là phải công khai minh bạch và tránh được cơ chế xin-cho.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm