TS Đinh Thế Hiển: Thuế tài sản là đúng và tôi đã trông chờ nhiều năm!

(Dân trí) - Chuyên gia tài chính cho rằng, đây là thuế quan trọng, cần phải thực hiện để đáp ứng công bằng cho mọi người dân (70% là người thu nhập trung bình và nghèo) và phát triển cho quốc gia và an sinh xã hội. Ở các nước phát triển, đó là nguồn thuế ổn định và lớn để ngân sách chi cho phát triển hạ tầng và an sinh xã hội.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển.

Như Dân trí đã thông tin, Bộ Tài chính vừa có kiến nghị với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội đưa dự án Luật Thuế Tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án về ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án về thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%. Đồng thời, những người sở hữu sẽ phải nộp thuế 0,3% đến 0,4% đối với toàn bộ giá trị đất.

Hiện Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng không chịu thuế với nhà là 700 triệu đồng.

Liên quan tới câu hỏi nên hay không đánh thuế tài sản (trong đó tập trung chủ yếu vào bất động sản), TS Đinh Thế Hiển cho biết: "Tôi nói thuế đó là đúng và tôi đã trông chờ nhiều năm".

Chuyên gia tài chính cho rằng, đây là thuế quan trọng, cần phải thực hiện để đáp ứng công bằng cho mọi người dân (70% là người thu nhập trung bình và nghèo) và phát triển cho quốc gia và an sinh xã hội. Ở các nước phát triển, đó là nguồn thuế ổn định và lớn để ngân sách chi cho phát triển hạ tầng và an sinh xã hội.

"Nếu không ra sắc thuế này, Việt Nam có thể bị kéo giật về thời phong kiến kiểu mới, ở đó không phải những nhà sáng tạo, sản xuất kinh doanh tài giỏi chân chính là nhóm dẫn dắt; mà chính là những người có nhà đất lớn, những địa chủ, lãnh chúa đời mới là nhóm cầm chịch!", TS Đinh Thế Hiển nhận định.

Ông Hiển cho rằng, tình trạng giá nhà đất tăng mọi địa phương, sẽ có lúc đóng băng nhưng rồi sẽ tăng tiếp. Tình trạng này về lâu dài sẽ làm những người trẻ muốn mua nhà sẽ không mua nổi, người ra kinh doanh sẽ không chịu nổi mặt bằng, mọi nguồn vốn sẽ không đổ vào sản xuất kinh doanh chân chính, mà có phần lớn mà đổ vào bất động sản vì an toàn và hiệu quả hơn.

"Dần dần quốc gia sẽ kiệt quệ trên đống nhà đất quy ra tiền khổng lồ hơn bất cứ nước nào, nhưng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đều mất lửa, đa số người lao động sẽ nghèo khổ; một ít người có đất sẽ “ngồi mát ăn bát vàng”… Nhật Bản đã gánh chịu đợt tăng giá bất động sản thập niên 1980, đến nay hậu quả vẫn còn tác động, dù đó là quốc gia siêng năng lao động, sáng tạo và giàu có bật nhất", ông dẫn chứng.

Ông Hiển thừa nhận, đây là sắc thuế đánh động vào rất nhiều người dân, ngay cả rất nhiều người không sở hữu 1 căn nhà giá 700 triệu đồng cũng lo lắng sợ bị "vặt lông vịt"; còn một số người có nhà trên 700 triệu đồng (không có căn nhà thứ 2) thì thấy mỗi tháng bị mất đi một số tiền.

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, ở các nước chưa phát triển, trong đó có Việt Nam, có những đại tỷ phú ôm nhà đất rất lớn, có số thuế nộp rất thấp, so với khối tài sản sinh lời; họ hưởng mọi hạ tầng đầu tư phát triển do toàn dân nộp thuế, ngày càng giàu lên nhưng không bị “phân phối lại” bao nhiêu nguyên nhân vì họ không bị thuế tài sản.

"Thuế tài sản, trong đó có bất động sản là cần thiết, và phải thực hiện trong một quốc gia văn minh hiện đại. Đó không chỉ là do nhóm người trung bình và nghèo (thường chiếm 70 – 80%) kêu gọi, yêu cầu. Đó chính là sự cần thiết thực hiện của những người có tài sản trên mức trung bình thực hiện để đảm bảo quốc gia có nguồn lực tiếp tục phát triển, trở nên giàu có hơn, trong đó, nhóm người nộp thuế tài sản nhiều hơn, lại có sự gia tăng tài sản nhiều hơn", ông Hiển kết luận.

Phương Dung

TS Đinh Thế Hiển: Thuế tài sản là đúng và tôi đã trông chờ nhiều năm! - 2