Kinh tế Nga vẫn lọt top 4 thế giới, đòn trừng phạt của phương Tây thất bại?
(Dân trí) - Bất chấp loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga vẫn tăng trưởng mạnh, vươn lên top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương.
Kinh tế Nga tăng tốc giữa vòng vây cấm vận
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nhấn mạnh rằng chính phủ nước này sẽ kiên trì các biện pháp để duy trì đà tăng trưởng, đảm bảo ổn định xã hội và nâng cao đời sống người dân.
Theo Thủ tướng Mishustin, Nga hiện nằm trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới xét theo sức mua tương đương (PPP). Năm 2024, GDP của Nga tăng trưởng 4,1%, cao gấp nhiều lần mức trung bình của các nước phát triển. Tổng GDP đạt 200.000 tỷ rúp, gần gấp đôi so với năm 2020.
Sau 3 năm xung đột, kinh tế Nga không sụp đổ như các dự báo. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Nga chỉ giảm 2,1%, thấp hơn nhiều so với dự báo lên tới 10-15% hồi đầu chiến sự.
Nền kinh tế Nga vẫn đạt được nhiều thành tựu trong bối cảnh phương Tây liên tục siết chặt trừng phạt, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và hệ thống tài chính vốn.
Thu ngân sách năm 2024 tăng hơn 25%, giúp đảm bảo các chính sách xã hội, khởi động nhiều dự án quan trọng và củng cố an ninh quốc gia. Ngân sách khu vực năm 2024 cũng tăng gần gấp đôi trong 5 năm, vượt 20.000 tỷ rúp.
Ngành công nghiệp của Nga ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 4,6% vào cuối năm 2024, trong đó lĩnh vực sản xuất chế tạo tăng 8,5%. Theo Thủ tướng Mishustin, thu nhập thực tế của người dân Nga tăng 8,5% trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik).
Doanh nghiệp phương Tây muốn quay lại Nga phải qua "cửa kiểm duyệt"
Ngoài ra, Thủ tướng Mishustin cũng khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào ngành năng lượng, dầu khí cũng không đạt được mục tiêu. Nga vẫn duy trì tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên thị trường năng lượng toàn cầu, bất chấp nỗ lực hạn chế từ phương Tây.
Bên cạnh việc đối phó với lệnh trừng phạt, Nga cũng đang mở rộng hợp tác với các đối tác thân thiện. Năm ngoái, Trung Quốc nhập trung bình hơn 2,1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga, mức cao nhất đến nay. Bắc Kinh cũng liên tục mua thêm dầu Nga do nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu và chính phủ nước này tăng tích trữ.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây lên dầu Nga sau xung đột tại Ukraine, Bắc Kinh vẫn mua lượng lớn nhiên liệu nước này cho các nhà máy lọc dầu trong nước. Trung Quốc và Ấn Độ hiện là 2 quốc gia tiêu thụ dầu Nga hàng đầu thế giới.
Về khả năng các doanh nghiệp phương Tây quay trở lại Nga, chính phủ tuyên bố sẽ xem xét theo lợi ích quốc gia. Một ủy ban đặc biệt sẽ đưa ra quyết định theo từng trường hợp cụ thể. Những công ty không tuyên bố rút khỏi Nga, vẫn duy trì hoạt động qua công ty con và có trách nhiệm với nhân viên sẽ được ưu tiên xem xét trước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gửi thông điệp cứng rắn tới các công ty phương Tây từng rời khỏi Moscow rằng việc quay trở lại thị trường Nga sẽ không hề dễ dàng, đặc biệt là với những công ty đã bán tháo tài sản.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra tháng 2/2022, hơn 1.000 doanh nghiệp đã rời Moscow. Nhiều tập đoàn phương Tây bán tài sản tại đây, chuyển giao việc quản lý hoặc từ bỏ hoàn toàn tài sản ở Nga.
Tổng thống Putin cho biết ông đã yêu cầu rà soát kỹ các công ty phương Tây có thỏa thuận mua lại tài sản, nhằm đảm bảo xem xét kỹ từng trường hợp. Ông bày tỏ sự tôn trọng đối với các doanh nghiệp vẫn tiếp tục hợp tác với Nga, nhưng sẽ có đánh giá khác với những công ty "đóng sầm cửa" khi rời đi.
Các công ty ra đi vì sức ép chính trị và bán tài sản với giá tượng trưng sẽ không được mua lại tài sản với giá đó. "Và khi khoảng trống mà họ để lại được doanh nghiệp Nga lấp đầy, như chúng tôi thường nói đó, con tàu đã rời đi rồi", Tổng thống Nga phát biểu.
"Chúng ta không nên kỳ vọng vào sự tự do hoàn toàn trong thương mại, thanh toán và dòng vốn. Các đối thủ sẽ luôn muốn làm suy yếu và kìm hãm chúng ta", ông Putin nói. Theo thống kê của Bộ Tài chính Nga, nước này hiện chịu hơn 28.500 lệnh trừng phạt.